Vốn FDI vào TP.HCM 2 tháng đầu năm tăng 43,1% so với cùng kỳ

Theo số liệu công bố của Cục Thống kê TP.HCM, trong hai tháng đầu năm, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (cả dự án cấp mới và dự án tăng vốn, mua cổ phần) vào Thành phố đạt 332,3 triệu USD, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Dây chuyền sản xuất vật liệu tổng hợp composite của Công ty NIKKISO (Nhật Bản) tại TP.HCM.  Ảnh: Lê Toàn
Dây chuyền sản xuất vật liệu tổng hợp composite của Công ty NIKKISO (Nhật Bản) tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Đối với dự án mới, trong 2 tháng đầu năm, Thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 101 dự án với tổng số vốn đăng ký 97,7 triệu USD, tăng 22,8% về vốn so với cùng kỳ.

Tính theo ngành thì xây dựng có 2 dự án, vốn đăng ký 54,5 triệu USD, chiếm 54,8% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy với 39 dự án, vốn đăng ký 31,3 triệu USD, chiếm 32,0%.

Đáng chú ý hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dù có 30 dự án nhưng vốn đăng ký chỉ đạt 7,4 triệu USD, chiếm 7,6%; hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo có hai dự án, vốn đăng ký 3 triệu USD, chiếm 3,1%.

Trong số các nhà đầu tư “rót” vốn vào TP.HCM trong 2 tháng đầu năm, Singapore dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 23 dự án, vốn đăng ký 76,6 triệu USD, chiếm đến 78,4% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc có 9 dự án, vốn đăng ký 4,8 triệu USD, chiếm 4,9%; Đài Loan (Trung Quốc) có 4 dự án, vốn đăng ký 4,2 triệu USD, chiếm 4,3%.

Bên cạnh các dự án đầu tư mới, trong hai tháng đầu năm, trên địa bàn TP.HCM có 29 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với 47,6 triệu USD. 

Đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp, trong hai tháng đầu năm có 275 nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn với 187 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ.

Trong đó, hoạt động bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy có số vốn góp đạt 130,5 triệu USD, chiếm 69,8% tổng vốn góp; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ 33 triệu USD, chiếm 17,6%; hoạt động vận tải kho bãi 7,7 triệu USD, chiếm 4,1%; hoạt động kinh doanh bất động sản 6,1 triệu USD, chiếm 3,3%.

Trong số các quốc gia có doanh nghiệp góp vốn, mua cổ phần Singapore và Hàn Quốc là hai quốc gia có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 64,3% và 11,7%.

Với kết quả thu hút FDI khả quan trong 2 tháng đầu năm, theo dự báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, nếu tình hình kinh tế, xã hội ổn định hơn, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, thì số vốn FDI thu hút được của TP.HCM năm 2023 có thể đạt 4,1-4,5 tỷ USD.

Năm 2022, TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước trong thu hút FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 3,94 tỷ USD .