Vùng đồng bằng sông Hồng: Đầu tư quy mô lớn cho hạ tầng giao thông

Đẩy mạnh phân cấp

Nếu không có gì thay đổi, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội – “siêu” công trình hạ tầng đường bộ được đánh giá sẽ làm thay đổi diện vùng lõi Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ được khởi công vào ngày 30/6/2023.

Đây có thể coi là tiến độ triển khai thần tốc của UBND TP. Hà Nội và 2 địa phương có tuyến đường đi qua là Hưng Yên và Bắc Ninh, bởi chủ trương đầu tư dự án này mới chỉ được Quốc hội phê duyệt cách đây đúng 1 năm.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tính đến ngày 3/2/2023, 3 đường găng ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khởi công Dự án đều đáp ứng tiến độ đề ra gồm: công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần; công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng chính tuyến và hệ thống đường đô thị, đường song hành; công tác di chuyển mồ mả tại các quận, huyện.

Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án thành phần 3 – Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Có thể hiểu được quyết tâm của lãnh đạo 3 địa phương trong việc triển khai Dự án, bởi đây là một trong những dự án có tính động lực, mở ra dư địa, không gian phát triển của toàn bộ khu vực trong 5 – 10 năm tới.

Theo đó, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư lên tới 85.813 tỷ đồng, gồm 7 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc dài 112,8 km theo phương thức PPP.

Mặc dù Dự án có quy mô đầu tư rất lớn, lại trải qua địa bàn 3 địa phương, nhưng dưới sự đôn đốc của Ban Chỉ đạo Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia trực tiếp của Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, công tác triển khai trong thời gian qua rất nhịp nhàng, có trách nhiệm.

“Chúng tôi đánh giá rất cao sự phối hợp triển khai của các địa phương đối với Dự án. Đây cũng là điều khẳng định tính đúng đắn trong việc đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông do Trung ương quản lý để phát huy tính chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực đầu tư”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.

Những dự án động lực

Trong kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bộ GTVT cho biết, sẽ ưu tiên đầu tư hoàn thành Vành đai 5; cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng; Cổ Tiết – Chợ Bến; các tuyến liên kết vùng để phát triển các hành lang, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế – đô thị, tạo đột phá phát triển vùng; mở rộng một số đoạn tuyến quốc lộ trong vùng theo quy hoạch và các đoạn tuyến đường bộ ven biển để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế biển.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, nâng cao kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng; đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân; đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng kết nối đến cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện; đầu tư đường sắt khu đầu mối Hà Nội; hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị trong khu vực đô thị trung tâm Hà Nội.

Ngay trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng để triển khai các tuyến đường sắt đô thị kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh của Thủ đô; nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với các tỉnh xung quanh (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam…).

Trong lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng hải Việt Nam lên kế hoạch khai thác hiệu quả Cảng quốc tế Lạch Huyện; tiếp tục đầu tư các bến cảng tại cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, đáp ứng lượng hàng hóa thông qua trong từng thời kỳ; chú trọng đầu tư đồng bộ giữa luồng và bến, kết nối liên hoàn giữa cảng biển trong vùng với phương thức vận tải khác, đầu mối vận tải khu vực; đầu tư các cảng cạn để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics.

Với tư cách là cửa ngõ giao lưu quốc tế của Vùng đồng bằng sông Hồng, hai cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi sẽ được đầu tư lớn để nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu trong từng thời kỳ.

Do nhu cầu vốn rất lớn, nên Bộ GTVT sẽ đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư những công trình trọng điểm, có vai trò động lực, lan toả, liên kết vùng.

“Đây là những công trình góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 30-NQ/TW với mục tiêu đến năm 2030, Vùng đồng bằng sông Hồng có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.