Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cảng hàng không thế nào là phù hợp

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) nhận định: “Trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không là lĩnh vực kinh tế vận tải áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại với hoạt động mang tính quốc tế cao, gắn liền với an toàn và an ninh, buộc phải hoạt động đồng bộ theo quy trình chặt chẽ. Với hình thành và phát triển hệ thống cảng hàng không của Việt Nam gắn liền với sự phát triển hiện nay, hoạt động đầu tư nâng cấp, xây mới đòi hỏi những giải pháp phù hợp và thực sự khả thi…”.

Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT phát biểu khai mạc Tọa đàm
Ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT phát biểu khai mạc Tọa đàm

Theo đó, nhằm giúp các địa phương, các nhà đầu tư nắm bắt thêm thông tin phục vụ xây dựng Đề án và nghiên cứu đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không, Bộ GTVT đã giao Báo Giao thông tổ chức buổi Tọa đàm về “Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư cảng hàng không và những bài học kinh nghiệm” với mục đích chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, khai thác cảng hàng không theo phương thức đối tác công tư – PPP; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để các địa phương xây dựng Đề án và tổ chức thực hiện thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Đây là hoạt động giúp cho các địa phương nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư khai thác cảng hàng không của từng địa phương trước khi trình Tổ công tác xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.

Tọa đàm Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không
Tọa đàm Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cảng hàng không

Thực tế cho thấy, hiện nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước trung ương cho lĩnh vực giao thông chỉ đáp ứng khoảng 65,8% nhu cầu.

Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020-2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng. Do đó, ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển toàn bộ 21 cảng hàng không do ACV đang quản lý, khai thác.

Giai đoạn 2021-2025, ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các cảng hàng không như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên, Cát Bi…

Trong bối cảnh đó, huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không là nhiệm vụ cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam đang tăng trưởng vượt bậc với mức bình quân khoảng 18% trong 10 năm gần đây.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế IATA, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá phát triển nhanh thứ 5 thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việc tăng trưởng vận tải hàng không với tốc độ cao thời gian qua đã và đang tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng hàng không. 

Việt Nam đang khai thác hệ thống 22 cảng hàng không, trong đó 9 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa.
– Khu vực miền Bắc: 7 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi) và 4 cảng hàng không quốc nội (Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới, Vinh).
– Khu vực miền Trung: 7 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 cảng hàng không quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà).
– Khu vực miền Nam: 8 cảng hàng không gồm 3 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 5 cảng hàng không quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).

Tại Tọa đàm, đại diện Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều dẫn chứng, bài học kinh nghiệm quốc tế về xã hội hóa kết cấu hạ tầng CHK. Theo thống kê của ICAO năm 2016, ước tính trong số 4.300 cảng hàng không trên thế giới, có 14% cảng hàng không có sự tham gia của khu vực tư nhân. Riêng khu vực châu Âu, tư nhân tham gia vào hạ tầng cảng hàng không lên tới trên 31%.

Các quốc gia như Pháp, Đức, Trung Quốc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân theo hình thức góp vốn vào doanh nghiệp cảng hàng không, tuy nhiên Chính phủ vẫn giữ cổ phần chi phối (ít nhất >50%). Riêng Anh thực hiện tư nhân hóa hoàn toàn cảng hàng không. Trong khi đó nhiều quốc gia như Mỹ, Mexico, Thổ Nhỹ Kỳ, Nhật, Ấn Độ, Philippines… huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân theo hình thức nhượng quyền/BOT.

Theo đại diện đơn vị này, hình thức đầu tư đối tác công tư – PPP phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trong đó, có thể đầu tư toàn bộ cảng hàng không (áp dụng với cảng hàng không mà Nhà nước không cần nắm giữ) hoặc đầu tư từng công trình riêng lẻ như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… (áp dụng đối với cảng hàng không Nhà nước cần nắm giữ).

Sân bay Vân Đồn ngày càng khẳng định được giá trị khai thác khách hàng trong nước, quốc tế. Ảnh: Sun Group
Sân bay Vân Đồn ngày càng khẳng định được giá trị khai thác khách hàng trong nước, quốc tế. Ảnh: Sun Group

Tại Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Sun Group) được xem là hình mẫu cho sân bay do tư nhân đầu tư.

Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chia sẻ, việc triển khai thành công dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn không chỉ đánh dấu sự góp mặt hiệu quả của kinh tế tư nhân trong hoạt động đầu tư hạ tầng giao thông mà còn là động lực mạnh mẽ để Vân Đồn, Quảng Ninh thu hút, huy động nguồn lực đầu tư lớn khác, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Quảng Ninh, tạo ra bước ngoặt mới cho ngành du lịch Quảng Ninh, mở thêm những không gian mới cho hợp tác, phát triển du lịch, kinh tế mang tầm quốc tế. Đây có coi là một hình mẫu cho hoạt động xây dựng này.

Nhận định về xu hướng các địa phương đang tranh thủ kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa đầu tư sân bay, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Việc các UBND tỉnh đề xuất về quy hoạch, đầu tư cảng hàng không là xu thế, tín hiệu rất tốt. “Đầu tư sân bay, không phải chỉ là 1-2 năm là thu hồi vốn hay lãi ngay được. Nhưng rất mừng là dù thời gian hòa vốn có thể rất dài nhưng đã có nhiều địa phương dám mạnh dạn đầu tư”, ông Hảo nói.

Phân tích hiệu quả tổng thể kinh tế – xã hội của cảng hàng không, lãnh đạo một số tỉnh thành đang đề xuất xây mới cảng hàng không đều cho rằng nhà nước nên có cơ chế chính sách chia sẻ với nhà đầu tư.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: “Đầu tư sân bay, theo PPP vẫn là tốt nhất. Các tỉnh đang đề xuất xây mới cảng hàng không đều là nơi có tiềm năng và dư địa để phát triển. Tuy nhiên, nhà nước cần có cơ chế chia sẻ doanh thu với nhà đầu tư”.

Ý kiến – Nhận định:

.
Ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

Đối với Sân bay chuyên dùng phải đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Các địa phương chủ động quy hoạch vị trí các sân bay chuyên dùng trong quy hoạch tỉnh; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí và địa phương chủ trì huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển sân bay chuyên dùng thành càng hàng không quốc nội khi sân bay chuyên dùng có nhu cầu khai thác các chuyến bay thường lệ và có cơ sở hạ tầng bảo đảm phục vụ hành khách.
Định hướng đầu tư cảng hàng không: Phù hợp với Quy hoạch; Phù hợp với chủ trương, định hướng xã hội hóa. Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, nhưng trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư sớm hơn.

.
Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn

Cảng HKQT Vân Đồn đã góp phần thay đổi diện mạo của huyện Vân Đồn.

Năm 2015, ngân sách huyện Vân Đồn là 130 tỷ đồng thì từ năm 2020, Ngân sách huyện đã vượt 1.000 tỷ. Từ năm 2022, huyện Vân Đôn là địa phương thứ 6/13 địa phương của tính tự cân đối ngân sách (dự kiến là 1.620 tỷ đồng). Khi có yếu tố tư nhân tham gia vào hàng không, các quy định, quy trình cũng sẽ dần thay đổi theo, mở ra hành lang hỗ trợ cho ngành hàng không phát triển.

Hiện tại, Sân bay Vân Đồn đang bay tuyến Vân Đồn – TP. HCM, đang xúc tiển để bay đến Đà Nẵng, Cần Thơ, Phú Quốc cũng như các điểm đến quốc tế. Nhằm tăng trưởng hoạt động kinh doanh, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn tập trung thúc đẩy xúc tiến điểm đến, kết hợp hệ sinh thái của Sun Group và đồng bộ hệ thông cao tốc kết nối. Ngoài ra, Cảng Vân Đôn chủ động xúc tiến trong việc mở rộng các dịch vụ hàng không, cụ thể: Hangar, ga hàng hóa, suất ăn và các sự kiện hàng không để quảng bá Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn trong nước và quốc tế.

,
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT):

Về nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021-2030, theo Quy hoạch là khoảng 403.106 tỷ đồng (trừ các công trình do VATM đầu tư).

Theo kế hoạch, ACV cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng; Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỷ đồng. Theo đó, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỷ đồng.