Xử lý kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về vướng mắc BOT giao thông

Trạm thu phí cầu Văn Lang.
Trạm thu phí cầu Văn Lang.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân liên quan đến giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập của các dự án BOT giao thông.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân trong quá trình tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện vướng mắc, bất cập của các dự án giao thông đầu tư theo phương thức BOT và hoàn thiện Hồ sơ về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 8352/VPCP-CN ngày 13/12/2022 của Văn phòng Chính phủ.

UBND tỉnh Lạng Sơn được giao nghiên cứu kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân về dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn để thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết là đã đi kiểm tra thực tế tại 2 dự án BOT là cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và cầu Việt Trì – Ba Vì (nay là cầu Văn Lang) nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C sau khi nhận được phản ánh, kiến nghị của Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam.

Qua báo cáo của Hiệp hội và kết quả kiểm tra thực tế, Đại biểu cho biết, các dự án đã được triển khai theo đúng quy hoạch và các văn bản pháp lý của Chính phủ.

Cụ thể, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, là tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; tuyến cầu Việt Trì – Ba Vì phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng chấp thuận. Đến nay, các nhà đầu tư đã thực hiện đúng cam kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đã hoàn thành đúng tiến độ, chi phí đầu tư được tiết giảm so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu.

Các công trình hoàn thành đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh xã hội của các địa phương khu vực dự án. Tuy nhiên, đến nay các dự án này đều đang gặp phải nhiều vướng mắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu, tác động xấu đến phương án tài chính của dự án, trong đó phần lớn nguyên nhân do sự thay đổi chính sách từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó, các nhà đầu tư đã hoàn thành công trình theo đúng yêu cầu, cam kết đã được ghị trong Hợp đồng, phát huy ngay hiệu quả kinh tế xã hội.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, Đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền về chủ trương tháo gỡ khó khăn các dự án BOT giao thông, không chỉ các dự án do Trung phương thực hiện mà bao gồm cả các dự án địa phương triển khai, để có nhận thức nhất quán, trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đại biểu cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan rà soát, đánh giá lại quy trình lập, phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư các dự án (bao gồm cả các dự án do Trung ương và các địa phương thực hiện) để làm rõ đâu là những dự án thực hiện đúng với chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, đâu là những dự án lợi dụng chính sách nhằm trục lợi, để lại hậu quả khó khắc phục, làm cơ sở cho việc phân loại và có giải pháp xử lý đối với từng dự án cụ thể.

Trên cơ sở đó có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước trên nguyên tắc kết hợp các phương án có tính khả thi nhằm chia sẻ hài hòa lợi ích các bên, hạn chế số vốn ngân sách nhà nước phải  thanh toán một lần.

Trong đó, cần xem xét các giải pháp cụ thể, như: kéo dài thời gian thu phí; hỗ trợ một phần vốn ngân sách nhà nước; miễn giảm thuế VAT; ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu nợ phù hợp…

Đối với Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn với vai trò là cơ quan có thẩm quyền ký kết Hợp đồng dự án thực hiện nghiêm túc việc hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để bù đắp cho các nội dung thay đổi từ phía cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của dự án; khẩn trương triển khai tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng để kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; yêu cầu Ngân hàng Vietinbank (Ngân hàng cho vay) giải ngân phần vốn còn lại cho các nhà thầu; giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu nợ cho dự án phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với Dự án cầu Việt Trì – Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C, Đại biểu đề nghị Thủ tướng chỉ đạo theo hướng: Nhà nước hỗ trợ phần vốn ngân sách tham gia tối đa 49% giá trị quyết toán để phù hợp với quy định Luật PPP; cập nhật lại các thông số của phương án tài chính theo tình hình thực tế, kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn; yêu cầu Ngân hàng tài trợ vốn chia sẻ, giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu nợ phù hợp với tình hình thực tế.