7 tháng, PNJ đạt 88% mục tiêu doanh thu năm 2022

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022 với kết quả khả quan.

Theo PNJ, áp lực lạm phát đã ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế lớn của thế giới do bất ổn địa chính trị và chính sách Zero Covid của Trung Quốc. Tại Việt Nam, tuy lạm phát chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến kinh tế nhưng sức mua của ngành bán lẻ có chững lại.

Dù vậy, trong tháng 7, công ty đạt 2.511 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 413,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm 32 tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 20.721 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.167 tỷ đồng, tăng lần lượt 70,9% và 66,1% so với 7 tháng đầu năm 2021.

Về tăng trưởng doanh thu từng kênh, doanh thu bán lẻ lũy kế 7 tháng tăng 77,8% so với cùng kỳ đến từ sự tăng trưởng tốt ở các nhãn hàng và sự đóng góp doanh thu từ các cửa hàng mới cùng với hoạt động kích cầu thông qua chương trình marketing/push sales.

Doanh thu sỉ lũy kế 7 tháng tăng 49,9% so với cùng kỳ nhờ vào việc chào bán sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thị hiếu của khách hàng.

Đặc biệt, doanh thu vàng 24K lũy kế 7 tháng đầu năm 2022 tăng 76,1% so với cùng kỳ do nhu cầu khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát cao. Bán vàng 24K là mảng tăng trưởng mạnh nhất trong các kênh của PNJ.

Biên lợi nhuận gộp trung bình 7 tháng đạt 17,4% so với mức 18,6% cùng kỳ do sự thay đổi cơ cấu hàng bán của kênh bán lẻ.

Tổng chi phí hoạt động lũy kế 7 tháng tăng 54,6% so với cùng kỳ, tỷ lệ chi phí hoạt động/lợi nhuận gộp đạt 56,6%, giảm so với mức 58,5% cùng kỳ 2021. Công ty này cho biết các chỉ tiêu cải thiện nhờ tối ưu hóa vận hành bằng các ứng dụng công nghệ vào bán hàng, quản lý.

Năm nay, PNJ đã thông qua kế hoạch mục tiêu doanh thu thuần 25.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.320 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 28% so với kết quả thực hiện năm liền trước. Như vậy, so với kế hoạch năm 2022 đã đề ra, PNJ đã đạt 80,2% chỉ tiêu doanh thu và 88,4% mục tiêu lợi nhuận sau 7 tháng.

Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT PNJ trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên cho biết năm 2022 doanh nghiệp có dự định mở mới 35-40 cửa hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp thuận lợi, đại gia ngành trang sức có thể mở đến 50 cửa hàng/năm.

Nhà máy của PNJ tại Gò Vấp vẫn hoạt động với công suất tối đa. PNJ sẽ tiếp tục đầu tư tăng công suất đối với nhà máy tại Long Hậu thêm 1-2 line hàng để mở rộng sản xuất trang sức vàng, đồng thời tìm kiếm thêm mặt bằng để mở rộng nhà máy.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, công ty này mở mới 19 cửa hàng và nâng cấp 11 cửa hàng PNJ Gold. Công ty cũng mở mới 2 cửa hàng PNJ Style và đóng 6 cửa hàng PNJ Gold và 6 cửa hàng PNJ Silver. Như vậy, tính đến cuối tháng 7/2022, hệ thống PNJ có 351 cửa hàng độc lập.

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), lịch sử tăng trưởng cao đã và đang được phản ánh liên tục trong giai đoạn 2017-2022 của PNJ khi tốc độ này luôn cao hơn trung bình ngành trong những năm thuận lợi và sụt giảm ít hơn ngành trong những năm khó khăn.

VCBS dự phóng PNJ sẽ gia tăng thị phần đáng kể trên thị trường vàng trang sức từ 30% cuối năm 2021 lên 35% đến 40% trong năm 2022-2023, khi nhiều nhà bán lẻ trang sức đã phải đóng cửa sau dịch Covid-19 và chiến lược mới với PNJ Style giúp PNJ thâm nhập hiệu quả vào phân khúc Millennials – thế hệ Y là những người sinh thuộc độ tuổi 18-34, sinh trong khoảng đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000.

Trong nửa cuối 2022, chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng rủi ro lớn nhất với PNJ là sự suy giảm của sức mua đối với các mặt hàng xa xỉ do áp lực về lạm phát.

Tuy nhiên, VCBS chưa nhận thấy điều này rõ rệt trong kết quả nửa đầu năm khi doanh thu thuần vẫn giữ tăng trưởng lần lượt 49,6%, 67,7% và 159,8% trong tháng các 4,5 và 6 do khách hàng của PNJ đều là đối tượng có thu nhập trung bình cao.

Mặc dù vậy, VCBS cho rằng ảnh hưởng thường có độ trễ nên có thể được phản ảnh vào kết quả kinh doanh hai quý cuối năm.