Áp lực nào đang chờ Kinh Bắc City (KBC) ở phía trước?

kinh-bac-kbc-1667441184.jpg

Dòng tiền kinh doanh âm nặng

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (mã KBC) đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với doanh thu thuần 203 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi từ liên doanh liên kết tăng đột biến lên gần 2.000 tỷ đồng đã giúp công ty lãi lớn. Trong quý 3, KBC lãi 1.959 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 35 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu, KBC ghi nhận doanh thu đạt 1.289 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 2.253 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt đươc, công ty đã hoàn thành 13% kế hoạch doanh và 50% mục tiêu lợi nhuận. Mặc dù lãi lớn nhưng dòng tiền kinh doanh 9 tháng đầu năm của KBC lại gặp vấn đề lớn khi âm đến hơn 936 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của KBC đã tăng 9% so với đầu năm lên 33.375 tỷ đồng trong đó các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm phần lớn, lần lượt 10.769 tỷ đồng và 11.983 tỷ đồng. Nợ vay tài chính vẫn đi ngang ở mức 7.000 tỷ đồng trong đó vay trái phiếu chiếm hơn 3.800 tỷ đồng.

Thời điểm 30/9, KBC có đến gần 2.900 tỷ đồng trái phiếu sắp đến hạn. Đây sẽ là áp lực lớn đối với doanh nghiệp này trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh âm nặng và lượng tiền mặt cũng đã giảm một nửa so với đầu năm xuống còn khoảng 1.300 tỷ đồng.

kbc-1667441216.png

Dự phóng năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng KBC sẽ khó về đích với tổng doanh thu có thể đạt 2.985 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.044 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 30,5% và 68% kế hoạch năm. Tương ứng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa cuối năm ước tính lần lượt là 1.900 tỷ đồng và 2.929 tỷ đồng.

Theo VDSC, các dự án mới nhất của KBC là Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung và dự án khu đô thị Tràng Duệ sẽ là nguồn doanh thu chính cho KBC trong năm 2022. Trong khi đó, dự án khu đô thị Tràng Cát khả năng cao là sẽ lỗi hẹn trong năm nay, cùng với khu đô thị Phúc Ninh mặc dù kinh doanh tốt nhưng chưa thể bàn giao do các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ phải trả chưa hoàn thành.

Ngoài ra, khoản lợi nhuận từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (2.200 tỷ đồng) sẽ được ghi nhận trong nửa cuối năm 2022 sau khi có sự thống nhất giữa các đơn vị thẩm định giá Savill và kiểm toán EY.

Cổ phiếu lao dốc, quỹ ngoại tháo chạy

Trong bối cảnh tình hình tài chính của KBC không thật sự lành mạnh, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã liên tục có động thái tháo chạy khỏi doanh nghiệp bất động sản này. Trong khoảng thời gian từ ngày 12/10 tới ngày 28/10, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng tổng cộng hơn 12,6 triệu cổ phiếu KBC.

Động thái giao dịch cổ phiếu của Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu KBC đang liên tục giảm sâu từ đầu tháng 8, hiện đang trong vùng đáy gần 23 tháng.

Chốt phiên 1/11, thị giá KBC đạt 17.450 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 60% thị giá so với đỉnh. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hơn 22.000 tỷ đồng, chỉ còn chưa đến 14.000 tỷ đồng.

do-thi-kinh-bac-1667441243.png

Chiều ngược lại, tổ chức liên quan ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC là CTCP Đầu tư Vinatex – Tân Tạo đã hoàn tất mua thêm 5 triệu cổ phiếu KBC nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,46% lên 5,11%. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 10/10 – 31/10/2022. Ước tính, cổ đông này đã chi khoảng 90 tỷ đồng cho thương vụ ‘bắt đáy” lần này.

Ở một diễn biến khác, KBC mới đây đã thông qua việc thực hiện giao dịch quyền mua cổ phiếu phát hành thêm (tỷ lệ 1:1) của CTCP Viễn thông Sài Gòn (Saigontel – mã SGT). Theo đó, công ty dự kiến sẽ chi gần 160 tỷ đồng để mua 15,9 triệu cổ phiếu SGT với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian đăng ký và nộp tiền là từ ngày 20/10 – 24/10/2022.

Trước đó, ông Đặng Thành Tâm cũng đã đăng ký mua tổng cộng hơn 17,5 triệu cổ phiếu SGT theo phương thức giao dịch thỏa thuận với cùng mục đích trên. Số tiền dự chi vào khoảng 175 tỷ đồng. Hiện tại, ông Đặng Thành Tâm đang là Chủ tịch HĐQT cũng đồng thời là cổ đông lớn nhất nắm 23,69% cổ phần tại Saigontel.