Bước thoái trào của điện máy Nguyễn Kim trước khi về tay tỷ phú Thái

Từng là tên tuổi dẫn đầu về điện máy

Sau 5 năm giữ 49% cổ phần Nguyễn Kim, Tập đoàn Central Group của Thái Lan thông qua các công ty con đã hoàn tất việc mua lại 100% chuỗi điện máy lâu đời bậc nhất Việt Nam.

Giá trị thương vụ mua lại 51% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu, vận hành chuỗi Nguyễn Kim được phía Central Retail tiết lộ là 2.600 tỷ đồng.

Với mức giá trên, định giá của chuỗi điện máy Nguyễn Kim với hệ thống 70 cửa hàng vào khoảng 5.100 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD. Mức định giá này bằng khoảng 1/10 con số hơn 2,1 tỷ USD giá trị vốn hóa hiện tại của Tập đoàn Thế giới Di động.

Sau thương vụ, tỷ lệ sở hữu của Central Retail tại công ty NKT tăng từ 40% lên 81,5%. Kết quả kinh doanh của Nguyễn Kim do đó được hợp nhất vào báo cáo tài chính của Central Retail. Giá trị thương vụ này theo Central Retail là 2.600 tỷ đồng bao gồm 2.250 tỷ đồng tiền mặt và 350 tỷ đồng được hạch toán vào khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp.

Trước khi bị thâu tóm, Nguyễn Kim đã từng là thương hiệu đứng đầu về điện máy. Cửa hàng đầu tiên của Nguyễn Kim được khai trương vào năm 1996 trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Đây là nơi đầu tiên ở TP.HCM kinh doanh sản phẩm điện tử, điện máy chính hãng theo mô hình bán lẻ hiện đại.

Gần 20 năm sau đó, Nguyễn Kim tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong trên thị trường điện máy. Công ty mở mới nhiều trung tâm mua sắm, lập ra website bán lẻ điện máy đầu tiên ở Việt Nam. Cuối năm 2007, Nguyễn Kim mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội.

Nguyễn Kim trở thành tên tuổi dẫn đầu ngành kinh doanh này với quy mô vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại. Thời điểm 2010, theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường Nielsen, 99% người tiêu dùng bình chọn Nguyễn Kim là nhà bán lẻ hàng điện máy tiêu dùng số 1 tại Việt Nam.

Sau thời hoàng kim, Nguyễn Kim đã ‘xuống sức’ thế nào?

Đầu những năm 2010, Thế giới Di động mới bắt đầu nổi lên thành một đối thủ xứng tầm có thể so sánh được mới Nguyễn Kim về mặt doanh thu. Lúc này mô hình của 2 doanh nghiệp này vẫn khá khác biệt: trong khi Nguyễn Kim là những trung tâm điện máy quy mô lớn với sản phẩm là các mặt hàng điện tử gia dụng đa dạng thì Thế giới Di động là những cửa hàng nhỏ chuyên về điện thoại và thiết bị di động.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường smartphone những năm sau đó cũng như động thái tăng tốc mở rộng quy mô đã đưa doanh thu của Thế giới Di động tăng trưởng rất ấn tượng và vượt qua Nguyễn Kim vào năm 2013.

Khi đó, doanh thu của Nguyễn Kim đạt 8.400 tỷ đồng – tương đương năm trước trong khi Thế giới Di động tăng trưởng 29% lên 9.500 tỷ.

Cũng trong khoảng thời gian này, Thế Giới Di động bắt đầu cạnh tranh trực diện với Nguyễn Kim khi triển khai các siêu thị chuyên về điện máy mang tên Dienmay.com – nay đã đổi tên thành Điện Máy Xanh.

Nguyễn Kim cũng đã từng có thời kỳ liên tục tái cơ cấu. Cuộc cách mạng cải cách về cơ cấu của Nguyễn Kim có thể kể đến mốc 2012, doanh nghiệp này đã tìm con đường tăng trưởng khác. Tổng cộng, nhà bán lẻ điện máy này đã rầm rộ khai trương năm siêu thị Thế giới số 24G.

Siêu thị Thế giới số 24G – Rầm rộ khai trương, lặng lẽ khai tử.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, do tình hình không có tiến triển, Nguyễn Kim đã đóng cửa cả năm siêu thị và quay về mảng điện tử gia dụng quen thuộc. Để xoay xở trong khó khăn, nhà kinh doanh này cũng tính toán chiến lược đầu tư vào ngành nông nghiệp và dược phẩm. Nguyễn Kim đã rót khoảng 500 tỷ đồng vào các công ty Docimexco, Angimex, Dược Lâm Đồng… Nhưng các khoản đầu tư mới cũng không giúp Nguyễn Kim tăng trưởng như mong muốn. Đơn cử như công ty Docimexco, lên sàn ba năm thì lỗ ròng cả ba năm và đối mặt với nguy cơ phá sản.

Như vậy, sau một thời gian dài vùng vẫy trong bối cảnh ảm đạm của thị trường điện máy, Nguyễn Kim đứng trước lựa chọn sinh tử. Họ quyết định bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Nhà đầu tư Thái Lan, Central Group đã gây xôn xao thị trường điện máy Việt Nam khi mua lại 49% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT. Động thái này cho thấy bước thoái trào của nhà bán lẻ điện máy lớn nhất Việt Nam – Nguyễn Kim. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tỷ lệ 49% mà nhà đầu tư Thái Lan mua từ Nguyễn Kim chưa hẳn là con số cuối cùng.

Điều đáng ngạc nhiên là dù bị Thế giới Di động cũng như các đối thủ lớn khác bám đuổi rất quyết liệt, Nguyễn Kim vẫn rất chậm chạp trong việc cải thiện tình hình, ngay cả sau khi đã bán lại quyền kiểm soát cho tập đoàn Central Group của Thái Lan. Hệ quả là trong suốt 3 năm 2014-2016, doanh thu của Nguyễn Kim chỉ dao động quanh ngưỡng 9.000-9.500 tỷ đồng.

Năm 2016, Điện Máy Xanh tăng tốc độ mở cửa hàng và có 250 siêu thị, vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ điện máy chính hãng với 16% thị phần. Năm 2017, thị phần của Điện Máy Xanh tiếp tục tăng mạnh lên 30% trong khi tổng thị phần bán lẻ của các chuỗi khác cũng là 30%.

Cho đến nay, chuỗi bán lẻ điện máy của Thế giới Di động đã vượt 1.000 cửa hàng và chiếm 38% thị phần sau 9 năm ra đời. Trong khi đó, Nguyễn Kim có 70 siêu thị sau 24 năm hoạt động.

Không chỉ hệ thống Thế giới Di động, Nguyễn Kim còn bị một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn khác là FPT Shop vượt qua. Khi mà Nguyễn Kim mãi vẫn không qua vượt qua được mốc doanh thu 10.000 tỷ thì FPT Shop chỉ sau 5 năm gia nhập thị trường đã đạt được mức doanh thu gần 11.000 tỷ vào năm 2016.

Năm 2019, Nguyễn Kim hợp tác với FPTShop để khai thác thêm kênh bán hàng thương mại điện tử nhưng đã dừng việc thử nghiệm sau vài tháng.

Trong bản công bố thông tin về thương vụ tmua lại toàn bộ chuỗi điện máy Nguyễn Kim, Central Retail của Thái Lan cho biết trong quý III/2019, công ty mẹ NKT của Nguyễn Kim đóng góp gần 3.300 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn.

Nếu kết quả dinh koanh giữa các quý không chênh lệch lớn, ước tính doanh thu của Nguyễn Kim đạt trên 13.000 tỷ đồng năm qua. Con số này bằng khoảng 22% doanh thu 58.000 tỷ đồng của Điện Máy Xanh.

Các chuỗi bán lẻ điện máy đang gặp thách thức khi thị trường hàng điện tử đã bắt đầu đi xuống với tổng doanh thu năm 2019 là 45.500 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2018, theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường GfK. Điểm sáng với các ông lớn là ngành hàng điện lạnh năm qua tăng trưởng 3%, đạt quy mô 39.700 tỷ đồng.

Sau khi hệ thống VinPro của Vingroup giải thể cuối 2019, Nguyễn Kim và Điện Máy Chợ Lớn là hai chuỗi bán lẻ còn lại cạnh tranh cùng Điện Máy Xanh tại khu vực miền nam. Trong khi đó, thị trường phía Bắc phân mảnh hơn với một số nhà bán lẻ khác như MediaMart, Pico, HC.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ