Chính quyền tỉnh Hà Nam ‘cố tình’ chậm giải quyết sai phạm tại xi măng Xuân Thành?

Nghi án Xi măng Xuân Thành “ăn cơm trước kẻng”

Vào năm 2013, được biết huyện Thanh Liêm thu hồi đất khu vực Khe Non để bàn giao cho Công ty CP xi măng Xuân Thành để khai thác đất sét phục vụ sản xuất xi măng. Đến năm 2014, Công ty bắt đầu đưa máy móc vào tiến hành khai thác đá sét tại mỏ Khe Non 2.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, Công ty CP xi măng Xuân Thành không đảm bảo các tiêu chuẩn trong vận tải, gây ô nhiễm môi trường, làm xáo trộn cuộc sống người dân. Hàng ngày, hàng loạt xe cơi nới thành thùng mang logo của Tập đoàn Xuân Thành hoạt động liên tục, chở đá, sét từ mỏ về đến Công ty. Người dân cho biết, hầu hết các xe không được che chắn, nếu có che thì cũng sơ sài, khiến vật liệu rơi vãi khắp đường, gây bụi mù mịt và ô nhiễm môi trường…

Thế nhưng mới đây, ngày 29/3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại mới cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 780/GP-BTNMT cho phép Công ty CP xi măng Xuân Thành khai thác bằng phương pháp lộ thiên đá sét xi măng Khe Non 2 thuộc các xã Thanh Hương, Liêm Sơn và xã Thanh Lưu, nay là thị trấn Tân Thanh (huyện Thanh Liêm, Hà Nam). So về thời gian, giấy phép này được cấp 5 năm sau khi công ty đã khai thác tại mỏ này.

Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp ngày 29/3/2019 cho Công ty CP xi măng Xuân Thành.

Theo đó, khu vực khai thác của Công ty CP xi măng Xuân Thành có diện tích là 74,5ha chia làm 3 khu vực (trong đó, khu I: 52,7ha, khu II: 2,4ha và khu III: 19,4ha). Mức sâu khai thác của khu I và khu III là -15m, khu II là -5m. Công ty CP xi măng Xuân Thành được phép khai thác với trữ lượng là 30.847.646 tấn đá sét (khu I là 22.479.390 tấn; khu II là 385.064 tấn và khu III là 7.983.192 tấn). Công suất khai thác năm đầu là 250.346 tấn đá sét, từ năm thứ 2 đến năm thứ 26 là 1.202.102 tấn đá sét/năm và năm cuối là 544.760 tấn đá sét.

Về thời hạn khai thác là 27 năm, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản. Giấy phép ghi rõ: “Trước khi tiến hành khai thác, Công ty CP xi măng Xuân Thành phải nộp thiết kế mỏ được lập, thẩm định, phê duyệt; báo cáo Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Hà Nam để kiểm tra thực địa, xác định toạ độ, mặt bằng khai thác và cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác; thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án khi khai thác xong”.

Cùng với đó, Công ty CP xi măng Xuân Thành phải đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác, thông báo về giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác, chế biến tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Đáng chú ý, giấy phép khai thác khoáng sản mà Công ty CP xi măng Xuân Thành được cấp có hiệu lực từ ngày 29/3/2019, trong đó có 1 năm xây dựng cơ bản và phải đăng ký ngày bắt đầu xây dựng. Như vậy, ít nhất phải đến ngày 29/3/2020, Công ty CP xi măng Xuân Thành mới được phép bắt đầu tiến hành khai thác tại khu vực Khe Non 2 nếu như Công ty này đã đăng ký xây dựng cơ bản cùng ngày được cấp phép.

Thực tế cho thấy, tại khu vực Khe Non 2 Công ty Xi măng Xuân Thành đang khai thác cũng không có hệ thống phun sương hay che chắn. Tại đường ĐH13 đoạn qua xã Thanh Hương, đoàn xe mang logo của Tập đoàn Xuân Thành không được che chắn đang tấp nập, vội vã chở đất đá từ mỏ lao nhanh trên đường khiến bụi bay mịt mù, người đi đường không nhìn rõ được đường.

Khai thác trước phép diễn ra rầm rộ gây ô nhiễm môi trường khiến dân địa phương vô cùng bức xúc.

Ngoài ra, khu vực mỏ khai thác cũng không cắm biển báo an toàn, không lắp đặt trạm cân, không có hệ thống camera giám sát, vận chuyển ra ngoài hàng nghìn tấn nhưng không hề thấy bóng dáng của cơ quan chức năng nào kiểm tra, giám sát.

Khu vực mỏ khai thác của Xi măng Xuân Thành hiện là những ngọn đồi trọc

Dư luận hoài nghi đặt ra hàng loạt câu hỏi, phải chăng phản ánh của dân dân về tình trạng khai thác tại khu mỏ Khe Non 2 từ năm 2014 là hoàn toàn chính xác? Có hay không việc Công ty Xi măng Xuân Thành dựa sự giám sát lỏng lẻo của chính quyền địa phương và Giấy phép số 1878/GP-BTNMT, Giấy phép số 780/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường như một “lá bùa” để qua mặt các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam khai thác khoáng sản trái phép tại Khe Non 2?

Ai đứng sau Xi măng Xuân Thành?

Theo tìm hiểu, Công ty CP Xi măng Xuân Thành thuộc Xuân Thành Group, Tổng giám đốc là ông Nguyễn Xuân Thủy, một đại gia nổi tiếng của “3 anh em Xuân Thành – Ninh Bình”.

Tập đoàn Xuân Thành từng được biết đến với tên tuổi ông Nguyễn Đức Thụy (anh của ông Thủy, còn được gọi là bầu Thụy – Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Xi măng Xuân Thành Sài Gòn và Quảng Nam).

Năm 2015, Xuân Thành Group đổi tên thành ThaiGroup. Đáng chú ý Tập đoàn Xuân Thành cũng từng vướng vào nghi vấn lùm xùm Dự án nạo vét đội vốn ở Ninh Bình.

Cụ thể là dự án nạo vét lòng sông Đáy đoạn từ cầu Giám Khẩu đến cửa Đáy và các tuyến qua sông Đáy nhằm thoát lũ Hoàng Long (chiều dài 77 km) được điều chỉnh từ 2.078 tỷ lên 9.720 tỷ, “phình” ra hơn 7.600 tỷ đồng.

Trao đổi về dấu hiệu sai phạm của Công ty CP xi măng Xuân Thành, đại diện lãnh đạo UBND thị trấn Tân Thanh (xã Thanh Lưu cũ) cho biết: “Việc khai thác đá sét của Công ty CP xi măng Xuân Thành tại khu vực xã Thanh Hương đã diễn ra từ lâu chứ không phải gần đây. Vừa qua, nếu không có phản ánh của người dân và báo chí thì chúng tôi cũng không nắm được họ đang khai thác sang phạm vi núi của Thanh Lưu, bởi họ không khai thác mặt ngoài nên gần như không phát hiện được”.

“Khi có phản ánh của người dân, chúng tôi cũng đã liên hệ với phía Công ty CP xi măng Xuân Thành yêu cầu xuất trình các văn bản liên quan đến việc cho phép khai thác trên. Đối với việc Công ty CP xi măng Xuân Thành có khai thác trước so với giấy phép, chưa đủ thời hạn khai thác theo quy định được khai thác, địa phương cũng đã báo cáo lên trên để xin ý kiến. Còn UBND thị trấn cũng “chưa dám” làm công tác dừng hoạt động khai thác và mới có báo cáo với UBND huyện Thanh Liêm, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để có những chỉ đạo, giải pháp cụ thể” – đại diện UBND thị trấn Tân Thanh thông tin thêm.

Còn đại diện của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Liêm, khi được yêu cầu cung cấp thông tin đúng quy trình, vị này nói: “Lãnh đạo huyện cũng đã trao đổi, liên hệ hết rồi. Nói thật với anh, huyện cũng làm việc với Công ty Xuân Thành rồi, chỗ anh Bắc là phó giám đốc công ty phụ trách trực tiếp mảng truyền thông này. Các anh đến liên hệ thì bọn em sẽ cung cấp số điện thoại của anh Bắc, các anh liên hệ trực tiếp làm việc với công ty, anh Bắc sẽ đón tiếp các anh ở dưới đấy”.

Có thể thấy rất rõ Công ty CP xi măng Xuân Thành đã được huyện Thanh Liêm “tin tưởng” như thế nào, khi công tác truyền thông Công ty này cũng được đồng hành cùng cơ quan chức năng huyện Thanh Liêm chung tay xử lý. Vậy còn những gì mà Công ty CP xi măng Xuân Thành đang đồng hành cùng huyện Thành Liêm?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Lâm Anh (T.H)/ Sở hữu trí tuệ