Chuyện những doanh nghiệp thương hiệu Sông Đà bị điểm tên do nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế

Hòa Bình, Ialy, Sông Hinh, Sơn La và Lai Châu… Những năm qua, đơn vị này tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như: Cao tốc Nội Bài – Bắc Ninh, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Quốc lộ 10, Hà Nội – Lào Cai,…

Tuy nhiên, sau khi thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện, Tổng công ty Sông Đà gặp nhiều khó khăn trong duy trì việc làm, bảo đảm đời sống người lao động, tài chính đầu tư…

LTS: Tổng công ty Sông Đà – CTCP, tiền thân Tổng công ty Sông Đà là một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập từ năm 1961 (Quyết định số 214/TTg ngày 01/06/1961 của Phủ Thủ tướng về việc thành lập Ban chỉ huy Công trường thuỷ điện Thác Bà). Ngày 26/03/2018, Tổng công ty Sông Đà đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu chính thức chuyển đổi từ mô hình Tổng công ty nhà nước sang mô hình Tổng công ty cổ phần. Tổng Công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty CP do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp, đăng ký thay đổi lần thứ 06 ngày 06/04/2018 với vốn điều lệ là 4.495.371.120.000 VNĐ.

Kế thừa gần 60 năm hình thành và phát triển, Tổng Công ty tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng các nhà máy thuỷ điện, cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà máy công nghiệp, chế tạo và cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng, kinh doanh bất động sản… Đến nay, Tổng công ty Sông Đà là nhà thầu chính (chiếm 85%) của hầu hết các dự án thuỷ điện tại Việt Nam, như Thuỷ điện Sơn La – dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á; thủy điện Hòa Bình – dự án nhà máy thủy điện ngầm của Việt Nam; thủy điện Lai Châu… và là nhà thầu EPC của một số dự án tại Tuyên Quang, Sesan 3…; Sông Đà cũng là một trong các nhà thầu dẫn đầu của Việt Nam trong thi công công trình ngầm, công trình giao thông, đã thực hiện hơn hàng trăm km đường hầm, đặc biệt là hầm Hải Vân với phương pháp thi công NATM….

Nhìn nhận thực tế, một số doanh nghiệp Nhà nước lớn thành lập hệ thống công ty con, công ty liên kết để góp vốn thành lập pháp nhân mới và tiếp tục thành lập thêm các pháp nhân gián tiếp nhằm tiếp quản, khai thác tài sản cũng như thương hiệu công ty mẹ. Tình trạng này được nhìn nhận khó quản lý, khó kiểm soát dòng tiền góp vốn tại các đơn vị trung gian, thay vì trực tiếp đầu tư, dẫn tới hiệu quả sử dụng tài sản không cao, mà Sông Đà là một ví dụ.

Tính đến quý I/2022, Sông Đà có 12 công ty con và 11 công ty liên kết. Có 03 công ty con sở hữu trực tiếp, tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty là 51%, 65% và 100%. Đối với 08 công ty con sở hữu gián tiếp, tỷ lệ lợi ích của Sông Đà đa phần dưới 50%, chỉ có 02 công ty có tỷ lệ lợi ích trên 50%. Vì vậy, Sông Đà ghi nhận 2.486,9 tỷ đồng lợi ích cổ đông không kiểm soát, chiếm 10,34% tổng nguồn vốn.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của mình, Sông Đà gặp không ít trở ngại khiến người lao động, người dân lo lắng về các quyền lợi được hưởng, chính sách, đặc biệt vấn đề tài chính khi tham gia đầu tư vào Sông Đà. Khi viết loạt bài này, Thương hiệu và Công luận mong rằng, thương hiệu Sông Đà luôn là thương hiệu có những sản phẩm thật uy tín, chất lượng đối với người tiêu dùng.

Những năm gần đây, Tổng công ty Sông Đà rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ gốc, lãi vay, chi phí cho vay lại… Thậm chí, các công ty con sở hữu trực tiếp và sở hữu gián tiếp đều nợ bảo hiểm xã hội… Việc này đã làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu quả của các dự án.

ong-cong-ty-song-da-co-dia-chi-tai-toa-nha-song-da-duong-pham-hung-phuong-my-dinh-1-nam-tu-liem-ha-noi-1666686190.jpg

Tổng công ty Sông Đà có địa chỉ tại Tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Doanh nghiệp “họ” Sông Đà nợ bảo hiểm xã hội “khủng” cỡ nào?

Thực trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đã tồn tại từ lâu. Đáng tiếc, cho đến nay vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi này. Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, vừa công khai danh sách các đơn vị sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 1 tháng trở lên.

Theo thông báo của Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, công bố ngày 13/09/2022, trên địa bàn thành phố có 50.830 đơn vị còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

cong-ty-cp-song-da-6-dia-chi-toa-nha-tm-khu-do-thi-la-khe-phuong-la-khe-quan-ha-dong-hn-no-30-thang-bao-hiem-so-tien-hon-191-ty-dong-voi-278-lao-dong-1666686235.jpg

Công ty CP Sông Đà 6 địa chỉ Toà nhà TM, khu đô thị La khê, phường La Khê, quận Hà Đông, HN nợ 30 tháng bảo hiểm, số tiền hơn 19,1 tỷ đồng với 278 lao động.

Trong đó, các Công ty con do Tổng Công ty Sông Đà đầu tư trực tiếp như: Công ty CP Sông Đà 6 (Toà nhà TM, khu đô thị La khê, phường La Khê, quận Hà Đông, HN) nợ 30 tháng, số tiền hơn 19,1 tỷ đồng (278 lao động); Công ty CP Sông Đà 4 (Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, HN) nợ 35 tháng, số tiền hơn 3,6 tỷ đồng (49 lao động); Công ty CP Sông Đà 9 (Toà nhà Sông Đà 9, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) nợ 17 tháng, số tiền hơn 2,2 tỷ đồng (72 lao động);Công ty CP Sông Đà 10 (Tầng 10-11, toà nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, HN) nợ 11 tháng, số tiền hơn 1,3 tỷ đồng (58 lao động).

cac-cong-ty-con-do-cong-ty-me-dau-tu-truc-tiep-no-tien-bao-hiem-xa-hoi-1666686275.jpg

Các Công ty con do Công ty mẹ đầu tư trực tiếp nợ tiền bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra,Công ty CP Sông Đà 2 (KM 10, đường Nguyễn Trãi, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) nợ 01 tháng, số tiền hơn 161 triệu đồng (76 lao động). Công ty này thuộc Công ty liên danh liên kết với Tổng công ty Sông Đà.

Như vậy, với số tiền nợ đóng bảo hiểm, các chủ doanh nghiệp hầu như bỏ rơi người lao động, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động, không hợp tác với cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Các hành vi đó gây ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn xã hội, trực tiếp vi phạm lợi ích cơ bản về an sinh xã hội của người lao động.

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, thực tiễn đi kiểm tra các doanh nghiệp và nắm bắt từ Công đoàn cơ sở cho thấy, thời gian qua nổi lên một số hành vi trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội như: lợi dụng cơ chế, chính sách còn kẽ hở; chế tài xử lý nợ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động chưa nghiêm nên doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng hoặc chiếm dụng khoản tiền này của người lao động. Việc các công ty đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không ít công ty, doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm pháp luật khi nợ hay “trốn đóng bảo hiểm xã hội”, dẫn đến người lao động phải gánh chịu thiệt hại nhãn tiền, nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Luật sư Hoàng Văn Sản, Giám đốc Công ty Luật Tùng Sơn phân tích, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17, Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Tại Luật Hình sự cũng có những chế tài cụ thể, nhưng trong thực tế hầu như không xử lý được trường hợp nào. Cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức rằng, muốn xử lý hình sự phải chứng minh được doanh nghiệp trốn đóng. Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng, đơn vị sử dụng lao động cho rằng họ không trốn đóng mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi chỉ khắc phục một phần. “Cần làm rõ việc thế nào là chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Hoặc chậm đóng trong bao lâu thì coi như trốn đóng. Như thế mới kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì. Vì càng để lâu, việc khắc phục càng khó khăn, người lao động càng thiệt thòi”, ông Sản nhấn mạnh.

Cùng chung góc nhìn, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đưa ra quan điểm, nếu những vướng mắc trong các quy định trong Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2019 chưa được triển khai rốt ráo, việc giải quyết, ngăn ngừa tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

… Đến bị điểm tên do chây ì nợ thuế

Trước đó, Công ty CP Sông Đà 4 đã từng bị Cục Thuế TP. Hà Nội điểm tên vào danh sách loạt doanh nghiệp chây ì nợ thuế trong kỳ đăng công khai tháng 08/2022. Cụ thể, tính tới kỳ khóa sổ 30/06, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết có 332 người nộp thuế nợ thuế, phí công khai lần đầu với số tiền gần 128,6 tỷ đồng. Trong danh sách nợ thuế, phí công khai lần đầu được Cục Thuế TP. Hà Nội công bố, Công ty cổ phần Sông Đà 4 còn nợ gần 8 tỷ đồng; trong đó, nợ thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất, kinh doanh trong nước hơn 6 tỷ; nợ tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng hóa sản xuất kinh doanh trong nước khác còn lại 1 tỷ đồng…

cong-ty-cp-song-da-4-da-tung-bi-cuc-thue-tp-ha-noi-diem-ten-vao-danh-sach-loat-doanh-nghiep-chay-i-no-thue-trong-ky-dang-cong-khai-thang-08-thang-2022-1666686343.JPG

Công ty CP Sông Đà 4 đã từng bị Cục Thuế TP. Hà Nội điểm tên vào danh sách loạt doanh nghiệp chây ì nợ thuế trong kỳ đăng công khai tháng 08/2022.

Cũng liên quan đến “họ” Sông Đà, Cục thuế TP Hà Nội có CV số 37496/CTHN-QLN ngày 02/08/2022 thông báo sẽ áp dụng cưỡng chế bằng hình thức trích tiền từ tài khoản đối với Công ty Cổ phần Sông Đà 6 có địa chỉ Tầng 1 và tầng 2 toà TM, Khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.

Theo thông báo, Sông Đà 6 bị cưỡng chế số tiền nợ và chậm nộp thuế gần 23,2 tỷ đồng bao gồm các khoản mục: Thuế thu nhập cá nhân (167 triệu đồng); thuế thu nhập doanh nghiệp (15,9 tỷ đồng); phạt vi phạm hành chính (gần 3,3 tỷ đồng); các khoản tiền chậm nộp (hơn 3,8 tỷ đồng).

van-ban-cua-cuc-thue-thanh-pho-ha-noi-gui-song-da-6-1666686470.png
Nguồn: SĐ6.

Sông Đà 6 được biết đến là một thành viên trong nhóm công ty họ “Sông Đà” do Tổng CTCP Sông Đà (SJG) nắm quyền chi phối. Tình hình kinh doanh của SD6 cũng không mấy khả quan khi lợi nhuận quý chỉ vài trăm triệu đồng trong khi doanh thu cũng lao dốc mạnh từ vài trăm tỷ về còn vài chục tỷ.

Quý II/2022 vừa qua, công ty này thậm chí báo lỗ 17,2 tỷ đồng sau khi lãi 172 triệu đồng trong quý 1; doanh thu quý này cũng chỉ đạt 56 tỷ đồng.

Sông Đà 6 cũng là gương mặt từng được nhắc đến sau những lần “khất nợ” cổ tức cho cổ đông nhiều năm. Doanh nghiệp từng thay đổi thời gian trả phần cổ tức còn lại của năm 2015 (tỷ lệ 5%) và đợt 1 năm 2016 (tỷ lệ 5%) từ ngày 20/10/2021 sang 30/12/2021 vì lý do chưa đảm bảo dòng tiền để thanh toán.

Ở một diễn biến khác, sự việc “Chiếm đoạt hơn 5 tỷ của nhà thầu để lo hiếu hỉ, cựu kế toán lãnh án tù” được đăng tải trên báo Tuổi trẻ vào ngày 25/10/2021 có nêu: Ngày 25/10/2021, TAND TP. Hà Nội đưa các bị cáo Lê Văn Sinh (SN 1980, nguyên Kế toán trưởng Sông Đà 6; Phạm Thị Thúy Hà (SN 1979, nguyên thủ quỹ) và Nguyễn Văn Quang (SN 1992, nguyên kế toán) ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo đó, do khó khăn về kinh phí cho hoạt động tiếp khách, nhóm cán bộ CTCP Sông Đà 6 tìm cách “ăn” tiền của nhà thầu lên tới 30 – 40% giá trị được tạm ứng.

Với hành vi được nêu tại Tòa, bị cáo Sinh bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cùng tội danh trên, các bị cáo Hà và Quang bị tuyên mức án 30 tháng tù.

Cho đến thời điểm này, hiện cónhiều doanh nghiệp nhóm “Sông Đà” đã công bố kết quả kinh doanh quý II và bán niên 2022. Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp đã hủy tư cách công ty đại chúng như Sông Đà 2 (hủy niêm yết ngày 29/07/2022), Sông Đà 6 bị cưỡng chế số tiền nợ và chậm nộp thuế… hay Sông Đà 4 từng bị Cục thuế TP Hà Nội điểm tên là doanh nghiệp chây ì nợ thuế. Như vậy, bức tranh kinh doanh của nhóm về cơ bản đã hiện ra rõ nét với gương mặt đại diện là Tổng CTCP Sông Đà (Mã SJG – UPCoM).

Thương hiệu & Công luậntiếp tục chuyến đến bạn đọc những thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh, xây dựng thương hiệu cũng như những tồn tại ở các dự án mang thương hiệu Tổng công ty Sông Đà.