Cục Đường thủy nội địa Việt Nam: Nhà thầu “quen mặt” và những gói thầu “siêu tiết kiệm”

Quan điểm này được đưa ra trước thông tin công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 (Wamico10) trúng 15 gói thầu sát giá chỉ trong chưa đầy 2 năm tại cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Tham gia 16 gói thầu, trúng 15 gói

Theo thông tin công khai trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, từ tháng 02/2020 đến tháng 6/2021, nhà thầu công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 (Wamico10) đã tham gia 16 gói thầu của bên mời thầu là cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Trong đó, Công ty này đã trúng thầu 15 gói, trượt thầu 1 gói.

Trong 15 gói đã trúng thầu, có 12 gói Wamico10 tham dự thầu với vai trò độc lập, 3 gói liên danh cùng các công ty khác. Toàn bộ các gói thầu này đều thông qua hình thức lựa chọn nhà thầu rộng rãi qua mạng.

t1
Nhà thầu công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 trúng 15 gói thầu của bên mời thầu là cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Cũng thống kê từ 15 gói thầu này, có 14 gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu dưới 1% (thậm chí chưa đến 0,1%), duy nhất có một gói có tỉ lệ tiết kiệm cao nhất nhưng cũng ở mức thấp là 1,63%.

Nếu tính từ năm 2018 đến nay, nhà thầu Wamico10 có tham gia 34 gói thầu của bên mời thầu cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trong đó, đã trúng thầu 25 gói, trượt thầu 2 gói, 7 gói chưa có kết quả – thông tin từ cổng thông tin đấu thầu Quốc gia.

Chỉ trong 2 ngày 29-30/12/2020, ông Bùi Thiên Thu (Cục trưởng cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đã ký 7 Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trị giá hàng chục tỷ đồng cho Wamico10.

Trước đó, ngày 28/02/2020, người đứng đầu cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đã ký cùng lúc 6 Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho công ty này.

Trong các gói thầu mà Wamico10 “may mắn” trúng thầu, hầu hết có tỉ lệ tiết kiệm thấp, nhiều gói có tỉ lệ tiết kiệm chỉ loanh quanh ở mức 0,02-0,03%.

Cụ thể, ngày 28/02/2020, Cục trưởng cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho Wamico 10 trúng 6 gói thầu, với tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có 5 gói dự thầu độc lập và 1 gói dự thầu liên danh. Các quyết định này bao gồm: Quyết định số 209/QĐ-CĐTNĐ; Quyết định số 210/QĐ-CĐTNĐ; Quyết định số 212/QĐ-CĐTNĐ; Quyết định số 227/QĐ-CĐTNĐ; Quyết định số 229/QĐ-CĐTNĐ. Tổng giá trị 5 gói thầu là hơn 37 tỷ đồng.

Riêng Quyết định số 230/QĐ-CĐTNĐ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với Liên danh Wamico10 với Wamico15, giá trúng thầu ở gói này là hơn 7,3 tỷ đồng.

Kế đến, ngày 29/12/2020, Cục trưởng Bùi Thiên Thu đã ký Quyết định số 1901/QĐ-CĐTNĐ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu ĐTKC-01-07 điều tiết khống chế đảm bảo giao thông cầu Rạch Ông – R. Ông Lớn cho Wamico10 trúng thầu với giá hơn 4,289 tỷ đồng, tiết kiệm cho ngân sách 3,4 triệu đồng.

Chỉ một ngày sau, ngày 30/12/2020, ông Bùi Thiên Thu tiếp tục ký Quyết định cho Wamico10 trúng 6 gói thầu khác với tổng giá trị lên đến gần 46 tỷ đồng, cụ thể là: Quyết định số 1928/QĐ-CĐTND; Quyết định số 1954/QĐ-CĐTND; Quyết định số 1955/QĐ-CĐTND; Quyết định số 1956/QĐ-CĐTND; Quyết định số 1972/QĐ-CĐTND; Quyết định số 1974/QĐ-CĐTND.

Qua tìm hiểu của phóng viên, Wamico10 có vốn điều lệ là 15 tỷ đồng, trụ sở tại số 187 Trần Xuân Soạn (phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP.Hồ Chí Minh), do ông Phan Huỳnh Tùng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Những gói thầu “siêu tiết kiệm”

Bên cạnh tình trạng “nhà thầu quen mặt” mang tên Wamico10, trong 2 năm 2020-2021, theo rà soát ngẫu nhiên của phóng viên với 20 gói thầu, tỉ lệ tiết kiệm chỉ loanh quanh ở mức dưới 1%, thậm chí, có gói chỉ có tỉ lệ tiết kiệm ở mức tượng trưng (0,01%).

t2
Thống kê ngẫu nhiên 20 gói thầu của cục Đường thủy nội địa Việt Nam, nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm ở mức tượng trưng.

Cụ thể, tổng số tiền dự toán các gói thầu này là 148.332.296.735 đồng, tổng giá trúng thầu là 147.941.817.524 đồng, tiền tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước chỉ 390.479.211 đồng, tỉ lệ tiết kiệm chỉ 0,26%.

Trong đó, phải kể đến những gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm chỉ loanh quanh ở mức trên dưới 0,1%. Cụ thể, theo Quyết định 236/QĐ-CĐTNĐ ngày 28/02/2020, ông Bùi Thiên Thu (Cục trưởng cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đã ký phê duyệt cho Liên danh công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 4 và công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3 trúng gói thầu ĐTKC-05: Điều tiết khống chế đảm bảo giao thông ĐTNĐ khu vực 07 (cầu đường sắt Đa Phúc sông Công; cầu Chanh – sông Chanh), với tỉ lệ tiết kiệm 0,15%.

Đến ngày 29/12/2020, Cục trưởng Bùi Thiên Thu ký Quyết định số 1895/QĐ-CĐTNĐ phê duyệt cho công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 trúng gói thầu ĐTKC-09-11: Khu vực Km 254+256 sông Hồng, với tỉ lệ tiết kiệm chỉ ở mức “tượng trưng” là 0,01%.

Cùng ngày, vị này cũng ký phê duyệt Quyết định 1897/QĐ-CĐTNĐ, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho công ty Cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 4 trúng gói thầu ĐTKC-11-11: Khu vực cụm cầu đường sắt Bắc Giang, sông Thương. Ở gói thầu này, tỉ lệ tiết kiệm là 0,08%.

Gói thầu BTTXMB-15: Quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa quốc gia khu vực MB 15 được ông Bùi Thiên Thu ký phê duyệt cho công ty Cổ phần quản lý đường sông số 3 theo Quyết định số 1945/QĐ-CĐTNĐ ngày 30/12/2020 cũng chỉ có tỉ lệ tiết kiệm là 0,1%.

Sau đó, người đứng đầu cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã ký Quyết định số 518/QĐ-CĐTNĐ ngày 14/6/2021 phê duyệt cho Liên danh Wamico 10 – Wamico 13 – Wamico 15 trúng gói thầu ĐTKC.MLMN-01: Điều tiết khống chế đảm bảo giao thông ĐTNĐ theo mùa lũ khu vực 1 (cầu Đồng Nai trên sông Đồng Nai; cầu Hóa An trên sông Đồng Nai; cầu Nàng Hai – kênh Lấp Vò Sa Đéc; khu vực km178+640 ngã ba sông Vàm Nao – sông Hậu), với giá 7.603.121.933 đồng. Gói này có giá dự toán là 7.609.256.000 đồng nên tỉ lệ tiết kiệm chỉ đạt 0,08%, tương đương với 6.134.067 đồng.

Theo Quyết định 662/QĐ-CĐTNĐ ngày 20/7/2021, ông Bùi Thiên Thu đã ký phê duyệt cho Liên danh Lũng Lô – Quản lý đường thủy 1 trúng gói thầu số 05-SL68.800: Thanh thải vật chướng ngại + điều tiết khống chế đảm bảo giao thông trong quá trình thi công, thuộc công trình “Thanh thải vật chướng ngại Km68+800 sông Lô – năm 2021”. Gói thầu này có tỉ lệ tiết kiệm 0,13%.

Tất cả những thông tin kể trên đều là nguồn hợp pháp từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, thông tin công khai rộng rãi và có dấu đỏ của đơn vị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Chúng tôi vẫn có niềm tin rằng, công tác đấu thầu tại cục Đường thủy nội địa Việt Nam đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu, bởi các số liệu thống kê này dựa trên thông tin được công khai trên cổng thông tin đấu thầu Quốc gia. Còn vì lý do khách quan hay chủ quan khác khiến tỉ lệ tiết kiệm thấp thì chắc chắn, khi cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra sẽ rõ.

Cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra

Trước các dấu hiệu về nhà thầu “quen mặt” tại cục Đường thủy nội địa Việt Nam, TS.Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc nhà xuất bản Giao thông vận tải) cho rằng: “Về việc đấu thầu nói chung, hiện nay vẫn có những lùm xùm, không minh bạch. Riêng về đường thủy, qua những thông tin như rà soát trên, cũng nằm trong tình trạng như vậy. Tức là, nói là đấu thầu, nhưng lại không thực sự minh bạch, công khai, mà vẫn có những cái mập mờ.

Các cơ chế quy định cũng không được rõ ràng, cho nên, dẫn đến chuyện, nói là đấu thầu, song, thực chất, có những phần chưa được đúng theo quy chế đấu thầu như Nhà nước quy định… Từ đó mới dẫn đến những chuyện không công bằng, có khuất tất trong đó”.

Nguyễn Xuân Thủy phân tích thêm: “Trong cơ chế thị trường hiện nay, việc đấu thầu là rất cần thiết, giúp các nhà thầu, các doanh nghiệp muốn tham dự, phải chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu như nhân sự, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị,… rồi vấn đề giá cả, thời hạn như thế nào, phải đảm bảo ra sao…

t3
Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia nghiên cứu về giao thông).

Nếu một công ty có xác suất trúng thầu “gần như tuyệt đối”, trong khi đó, tỉ lệ tiết kiệm lại không đáng bao nhiêu, cũng có thể dấy lên nghi ngờ trong dư luận.

Với chúng tôi, là những người có hiểu biết chút ít về giao thông và cũng rất tâm huyết với ngành này, tôi không đồng tình. Chuyện một nhà thầu nội bộ được trúng thầu với tỉ lệ tiết kiệm rất thấp như vậy, chưa rõ những nhà thầu khác có ý kiến gì không, nhưng dư luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Tại sao một đơn vị như thế mà trúng thầu nhiều lần như vậy?”.

TS.Thủy nói thêm: “Với đơn vị cục Đường thủy nội địa Việt Nam, bộ Giao thông Vận tải, tôi cho rằng nên kiểm tra lại cơ chế, kiểm tra lại cách thức thực hiện đấu thầu, kiểm tra lại tính minh bạch, kiểm tra lại các quan hệ dọc ngang trong vấn đề đấu thầu, để đảm bảo chặt chẽ, khoa học, công bằng và minh bạch, chứ không thể để như thế được!

Và tôi cũng xin nhấn mạnh hơn, không chỉ cần sự vào cuộc của các đơn vị, mà ngay từ đội ngũ Thanh tra bộ Giao thông vận tải, hay Thanh tra bộ Xây dựng…, khi vào cuộc cũng phải làm việc một cách nghiêm túc và minh bạch, không phải cứ kiểm tra xong, rút kinh nghiệm xong vẫn lại như cũ, không có gì mới.

Thậm chí, dư luận cũng từng phản ánh, không phải tất cả nhưng cũng có những thanh tra vẫn thông đồng với bên nhà thầu và đơn vị tổ chức đấu thầu. Đó là điều không thể chấp nhận được!”.

Trao đổi ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) chỉ ra: “Theo quy định tại khoản 12, Điều 4, luật Đấu thầu 2013: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

t4
Luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự).

Về thông tin công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 trúng 15 gói thầu sát giá của cục Đường thủy nội địa Việt Nam trong giai đoạn 2020-2021, trong đó, 14 gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm siêu thấp, dưới 0,1% (thấp nhất là 0,02%) và 1 gói có tỉ lệ tiết kiệm 1,63%, luật sư Đạt bình luận: “Tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, rõ ràng là chưa đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu theo quy định của luật Đấu thầu.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra quá trình lập hồ sơ mời thầu, xây dựng giá dự toán và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu của các gói thầu này để làm rõ nguyên nhân nào mà các gói thầu này kém hiệu quả kinh tế”.

Cần sửa đổi, bổ sung các văn bản luật

Luật sư Nguyễn Cao Đạt cho rằng: “Để hạn chế và ngăn ngừa các sai phạm trong đấu thầu, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản luật để việc đấu thầu được công khai, minh bạch trên thông tin đại chúng.

Đặc biệt, kiểm tra giám sát chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác đầu thầu, từ đó có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe những kẻ manh nha trục lợi trong việc đấu thầu.

Quy trình, thủ tục đấu thầu theo luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu. Đặc biệt, vấn đề thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn nhiều bất cập”.