Dấu hiệu sai phạm tại dự án Usilk City, Victory Tower và Công ty Việt Nhật

Báo Công Thương nhận được một số thông tin phản ánh: Người dân kêu cứu vì mua chung cư tại Dự án Usilk City của Sông Đà Thăng Long; Tranh chấp Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà Victory Tower; Công ty Việt Nhật tiến hàng thi công xây dựng dự án khi chưa hoàn được cấp phép xây dựng.

Bạn đọc T.N.L (quận Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh: Bà là khách hàng mua căn hộ tại dự án Usilk City – Khu đô thị mới Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội). Tuy nhiên, đã hơn 10 năm qua dự án thi công ngổn ngang và nằm bất động, khiến bà cùng nhiều hộ dân khác đang mong mỏi từng ngày được bàn giao căn hộ.

Bà Linh cho biết, trước đó bà có nhận chuyển nhượng căn hộ chung cư số E – 1104 tầng 11 tòa nhà CT1-108 Dự án Usilk City từ bà Lê Thúy Hằng. Hợp đồng chuyển nhượng giữa bà Linh và bà Hằng đã được Văn phòng công chứng Miền Bắc (địa chỉ số 1A Trần Đăng Ninh, phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội) chứng thực vào ngày 08/09/2016. Căn hộ này vốn là tài sản hợp pháp của bà Lê Thúy Hằng đã nhận chuyển nhượng từ Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long theo Hợp đồng mua bán căn hộ số 0664/2010/HĐMB-UVK lập ngày 03/02/2010.

Theo tìm hiểu, dự án Usilk City do Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư bao gồm 13 tòa nhà từ 25 đến 50 tầng với 4 tầng khối đế và 2 tầng hầm liên thông. Tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng với khoảng 2.800 căn hộ cao cấp. Dự án khởi công từ Quý II/2008 và theo hợp đồng mua bán thì các tòa nhà CT1-104, CT2-105,CT3-106, CT3-107, CT4-108 bắt đầu từ bàn giao từ tháng 12/2012đến Quý 2/2014.

Thế nhưng, tòa nhà CT4-108 nơi có căn hộ của bà Linh nhận chuyển nhượng đã chậm tiến độ bàn giao nhà hơn 11 năm nay, bị dừng thi công hoàn toàn từ tháng 6/2011. Hiện trạng công trình đang xây thô dở dang đến tầng 4 và 5 và bị bỏ hoang, rêu phong, cây cối mọc um tùm, sắt thép hoen rỉ suốt hơn một thập kỷ qua.

Theo bà Linh, trong hơn 11 năm qua (kể từ tháng 7/2012), đã có nhiều cá nhân, tổ chức, tập thể kiên nhẫn gửi đơn thư, tổ chức đối thoại với chủ đầu tư nhiều lần, cố gắng tạo điều kiện để Dự án tiếp tục được thực hiện, tuy nhiên Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long đã không thực hiện nghĩa vụ của mình, không tôn trọng những cam kết, liên tục thất hứa, bất hợp tác.

Chủ đầu tư đã gián tiếp thu của bà số tiền là 941.234.000 đồng. Đây là số tiền gia đình bà tích cóp nhiều năm với mong muốn mua được căn hộ để ở. Theo bà L, có khoảng 2.800 khách hàng rơi vào hoàn cảnh giống bà.

Được biết, bà L. và các khách hàng cũng đã gửi nhiều đơn kêu cứu, đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng của Hà Nội và Trung ương. Về nội dung này, trước đó, Thanh tra Hà Nội đã ban hành Kết luận thanh tra số 99/KL-TTTP-P2 ngày 12/01/2017 và chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long cũng như của chính quyền thời điểm đó. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm từ thời điểm thanh tra dự án đến nay, tình hình dự án vẫn không có chuyển biến, tòa nhà CT4-108 vẫn không có bất cứ hoạt động xây dựng nào. Hơn nữa, phía chủ đầu tư cũng không có động thái gì để giải quyết quyền lợi của người mua nhà.

Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền TP Hà Nội vào cuộc kiểm tra, thanh tra và có hướng chỉ đạo kịp thời, tránh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Bên cạnh đó, chủ đầu tư Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long cần có giải pháp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thông tin phản ánh: Công ty cổ phần Victory Capital (Công ty Petrolanhd) là chủ đầu tư dự án Công trình tòa nhà Trung tâm thương mại Tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng (Victory Tower), địa chỉ tại số 12 đường Tân Trào, phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh.

Theo phản ánh, ngày 20/2/2017, Công ty Petrolanhd và Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Sao Kim (Công ty Sao Kim) đã ký kết hợp Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành số 03/2017/CCDVQLVH-SK (Hợp đồng 03). Theo đó, Công ty Petrolanhd thuê Công ty Sao Kim thực hiện công tác quản lý vận hành Tòa nhà Victory Tower theo thời hạn hợp đồng là 72 tháng.

Quá trình thực hiện, Công ty Petroland cho rằng Công ty Sao Kim đã vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của Hợp đồng 03 bao gồm các nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ báo cáo công tác dịch vụ quản lý với Công ty Petroland, cung cấp dịch vụ quản lý vận hành với các khách hàng đang sử dụng dịch vụ tại tòa nhà.

Sau khi khách hàng khiếu nại và yêu cầu chủ đầu tư thay thế đơn vị quản lý vận hành mới, ngày 29/8/2018, Công ty Petroland đã phát hành Thông báo số 654/TB-Petroland về việc chấm dứt trước hạnh Hợp đồng số 03.

Sau đó, Công ty Sao Kim đã khởi kiện Công ty Petroland tại Tòa án Nhân dân quận 7, yêu cầu tòa án buộc chủ đầu tư tiếp tục thực hiện Hợp đồng số 03 và không gây cản trở khó khăn cho Công ty Sao Kim thực hiện quyền quản lý vận hành tòa nhà cho đến khi có quyết định của tòa án. Vụ việc đã được TAND quận 7 thụ lý số 91/2018/KTST ngày 26/9/2018.

Ngày 28/9/2018, TAND quận 7 đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 32/2018/QĐ-BPkCTT. Theo đó, tòa án quyết định cấm phía Công ty Petroland thực hiện hành vi cản trở, gây khó khăn đối với Công ty Sao Kim thực hiện việc quản lý, vận hành, khai thác tòa nhà trên.

Kể từ ngày có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND quận 7 đến nay, Công ty Petroland buộc tiếp tục thực hiện Hợp đồng 03. Điều đã gây thiệt hại về tài chính cũng như uy tín và thương hiệu của Công ty Petroland, ảnh hưởng quyền lợi khách hàng.

Ngày 16/1/2023, Công ty Petroland nhận được Thông báo sự kiện pháp lý số 21/2023/TB-SK đề ngày 13/01/2023 của Công ty Sao Kim. Gửi kèm thông báo là Đơn khởi kiện và Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí ngày 9/1/2023. Theo đó, Công ty Sao Kim kiện buộc Công ty Petroland thanh toán tổng số tiền nợ gốc và lãi là 99.445.522.204 đồng và yêu cầu được tiếp tục thực hiện Hợp đồng 03.

Cho đến thời điểm hiện nay, vụ án kéo dài hơn 4 năm kể từ ngày tòa thụ lý 26/9/2018 mà vẫn chưa tiến hành đưa ra xét xử.

Thông tin phản ánh: Công ty Cổ phần ô tô Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đang thi công xây dựng nhiều hạng mục công trình cao 3 tầng trong khi chưa hề được cấp phép cùng các thủ tục pháp lý. Chính quyền địa phương đã lập nhiều biên bản vi phạm, xử phạt, yêu cầu tạm dừng.

Được biết, năm 2009, UBND tỉnh Hưng yên đã thu hồi đất tại xã Tân Tiến để thực hiện dự án đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật. Đến ngày 21/3/2018, UBND tỉnh Hưng Yên mới có quyết định cho Công ty Việt Nhật thuê đất để thực hiện dự án. Ngày 24/10/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên ký Hợp đồng thuê đất số 177/HĐ-TĐ với Công ty Việt Nhật. Nội dung hợp đồng cho Công ty Việt Nhật thuê 69.796 m2, thời gian thuê đất tính từ ngày 21/3/2018 đến 26/12/2057.

khu-nha-xuong-3-tang-xay-dung-trai-phep-1676089992.jpg
Khu nhà xưởng xây dựng trái phép

Ngày 12/11/2018, UBND tỉnh Hưng Yên cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 130/QĐ-UBND cho Công ty Việt Nhật thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô; loại xe trọng tải từ 5 tạ – 5 tấn, công suất 10.000 xe/năm. Tổng vốn thực hiện dự án là 200 tỷ đồng, trong đó vốn góp của các cổ đông là 40 tỷ đồng, còn lại 160 tỷ đồng (chiếm 80%) là vốn vay. Thời hạn hoạt động của dự án là 49 năm.

Thu hồi đất nông nghiệp từ 2008, nhưng dự án đã chậm tiến độ gần 10 năm không biết vì lý do gì, mà đến 2018 mới tiếp tục? Có nghĩa là sau gần 10 năm đất nông nghiệp bị thu hồi rồi bỏ hoang và ngân sách không thu được tiền thuê đất?.

Lý do và căn cứ pháp lý để tỉnh Hưng Yên tách ra thời gian khoảng gần 2 tháng theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm?, cách tính đơn giá “rất rẻ” chỉ hơn chục nghìn đồng/m2/năm?, và thời gian còn lại của dự án chỉ với giá 811 nghìn đồng/1m2/ chia cho 39 năm, đơn giá thuê đất này có làm đúng theo quy định của pháp luật?.

Sau thời gian chậm tiến độ gần 2 năm so với quy định trong Quyết định chủ trương đầu tư, đến ngày 16/9/2022, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 2125/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam ký, về việc “Phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nhật”. Theo Quyết định này, Nhà máy đặt trên khu đất ký hiệu CNHT- 01, tại Cụm công nghiệp xã Tân Tiến, diện tích đất là 69.796 m2, theo hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần, thời hạn sử dụng 49 năm (thời gian tính tiền thuê đất từ năm 2018 đến 2057).

Tuy nhiên, sau đó ngày 9/12/2022, UBND tỉnh Hưng Yên lại có Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư số 128/QĐ-UBND với tên và lĩnh vực dự án khác đi là: Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện, sản phẩm gia dụng Việt Nhật. Tiếp đó, tỉnh Hưng Yên lại tiếp tục Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện, sản phẩm gia dụng Việt Nhật.

Vậy, câu hỏi ở đây đặt ra là: Từ Dự án sản xuất, lắp ráp 10.000 ô tô/năm, tổng vốn 200 tỷ đồng, nhưng gần 10 năm vẫn gần như “giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, liên tiếp trong thời gian ngắn những tháng cuối năm 2022, chỉ gần 1 tháng kể từ ngày Giấy phép môi trường được ký, Dự án đã “đổi chiều” sang lĩnh vực khác, tổng quy mô vốn đầu tư lên gần 500 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần dự án cũ.., vậy các quy trình, thủ tục có đảm bảo đúng quy định của pháp luật?.

Hơn thế nữa, việc UBND tỉnh Hưng Yên và các Sở ngành chức năng ban hành các văn bản pháp lý cho Dự án sản xuất, lắp ráp ô tô; nay liệu có còn giá trị pháp lý để sử dụng được cho Dự án chuyển sang sản xuất, lắp ráp xe máy điện và sản phẩm gia dụng?.

Dù chưa có Giấy phép xây dựng và các thủ tục pháp lý khác, nhưng từ giữa năm 2022, Công ty Việt Nhật đã tiến hàng thi công xây dựng dự án. Hành vi vi phạm pháp luật này đã bị UBND xã Tân Tiến nhiều lần lập Biên bản vi phạm từ tháng 7/2022 đến nay. Ngày 16/1/2023, UBND huyện Văn Giang đã ra Quyết định xử phạt Công ty Việt Nhật số tiền 140 triệu đồng. Theo đại diện UBND xã Tân Tiến cho biết đã yêu cầu dừng thi công và cử người liên tục giám sát. Tuy nhiên, theo phản ánh, dự án vẫn có công nhân làm việc, máy cẩu đang vận hành.

Ngày 12/1/2023, Công ty Việt Nhật đã có Công văn số 01/BC-VN với nội dung thừa nhận việc tiến hành xây dựng khi chưa hoàn thành thủ tục cấp phép là vi phạm so với quy định của pháp luật và cam kết khắc phục.