Doanh nghiệp FDI ngày càng tin tưởng môi trường đầu tư tại Việt Nam

Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thực hiện và công bố mới đây nhấn mạnh kết quả đáng khích lệ. Đó là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; hơn 70% kim ngạch xuất khẩu.

Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, làm cho nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự thành công trong kinh doanh ở nước ta bằng cách điều chỉnh tăng vốn đầu tư để mở rộng kinh doanh và tăng lợi nhuận.

Doanh nghiệp FDI ngày càng tin tưởng môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ảnh minh họa.

Cùng thời điểm, Công ty TNHH Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) cũng công bố Báo cáo thường niên FDI năm 2021, trong đó phân tích rõ những ưu điểm cũng như bất cập, hạn chế trong thu hút FDI và đưa ra nhiều khuyến nghị gửi các nhà hoạch định chính sách.

TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng biên soạn Báo cáo, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Những vấn đề đặt ra trong quá trình thu hút FDI hiện nay không mới, tựu trung ở 5 ưu điểm, 4 hạn chế.

Ưu điểm là vai trò của FDI trong tăng trưởng GDP ngày càng quan trọng; tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cao; đóng góp ngân sách; tạo việc làm; lan tỏa năng suất và công nghệ; phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Những mặt hạn chế của dòng vốn ngoại thể hiện ở chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI chưa cao, số lượng các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ châu Âu chỉ khoảng 5%; có tình trạng mất cân đối trong thu hút và sử dụng FDI trên địa bàn; liên kết, tương tác giữa khu vực FDI và khu vực khác của nền kinh tế thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan tỏa về năng suất và công nghệ chưa cao; các mặt trái trong thu hút, sử dụng FDI chậm được khắc phục, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, trật tự xã hội và quốc phòng-an ninh…

TS Phan Hữu Thắng cho rằng, những hạn chế này có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản nhất vẫn là thể chế, chính sách về FDI chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thu hút FDI để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời cần sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng bộ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch.

TS Phan Hữu Thắng và các cộng sự nhấn mạnh giải pháp chú trọng công tác giám sát, đánh giá dự án FDI, nhất là tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” dưới hình thức thông qua cá nhân Việt Nam lập doanh nghiệp bất động sản, góp vốn dưới 49%; cho cá nhân Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp… Giải pháp cho vấn đề này là đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để có cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ nhằm đánh giá một cách nghiêm túc và chuẩn xác về hiệu quả FDI tại Việt Nam.