Động thái tái cơ cấu của Him Lam ở Postef

Ngày 20/4, ông Dương Trung Lợi đã mua thỏa thuận 2,38 triệu cổ phiếu POT của CTCP Thiết bị Bưu điện (Postef), qua đó sở hữu 12,26% cổ phần và trở thành cổ đông lớn thứ 3 tại Postef, sau Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (49,996%) và CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS – 11,323%).

Trước đó, ông Lợi không sở hữu cổ phiếu POT nào.

Cũng trong phiên 20/4, Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Bích Hồng và cổ đông Phạm Thị Thanh Hồng đã bán thỏa thuận đúng bằng 2,38 triệu cổ phần POT với giá 34.000 đồng/CP, cao hơn 9,3% so với giá tham chiếu, tổng giá trị giao dịch 81 tỷ đồng.

Ông Dương Trung Lợi sinh năm 1975, từ năm 2016 tới nay là Giám đốc Chiến lược của HDBank. Đáng chú ý, ông Lợi còn đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu Tư Và Thương Mại Satori.

Satori được thành lập năm 2017, có trụ sở tại Cần Giuộc, Long An, là chủ sở hữu thương hiệu nước giải khát cùng tên.

Đáng chú ý, cổ đông lớn nhất của Satori, nắm tới 98% cổ phần doanh nghiệp là bà Lê Thị Vân Thảo – phu nhân của ông Dương Công Minh, ông chủ Tập đoàn Him Lam, đương kim Chủ tịch Sacombank và là cựu Chủ tịch Lienvietpostbank.

Tại Postef, nhóm Him Lam – Liên Việt Holdings ký hợp đồng hợp tác với Postef để đầu tư vào dự án 61 Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) từ năm 2011. Tới cuối năm 2021, liên danh đã chuyển cho Postef 847 tỷ đồng để triển khai dự án. Ngoài ra, liên danh đã chuyển cho Postef 125 tỷ đồng hỗ trợ di dời nhà máy 61 Trần Phú.

Postef đã xin chấp thuận chủ trương đầu tư, nộp tiền sử dụng đất, có sổ đỏ, và được cấp giấy phép xây dựng phần ngầm. Postef dự kiến khởi công dự án trong năm nay.

Dự án 61 Trần Phú do nhóm Him Lam – LienVietHoldings và Postef hợp tác đầu tư (Ảnh: Hữu Thắng)

Dự án 61 Trần Phú có diện tích đất quy hoạch 7.523m2, quy mô 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, tổng diện tích sàn tầng nổi 32.306,6m2, tổng diện tích sàn tầng hầm 43.023,2m2, khi hoàn thành hứa hẹn sẽ là nguồn cung cấp lượng lớn sàn thương mại văn phòng và khách sạn tại trung tâm chính trị Ba Đình.

Postef từng có chủ trương chuyển nhượng dự án, tuy nhiên đã tạm dừng việc chuyển nhượng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Song song với việc rót gần 1.000 tỷ đồng vào dự án 61 Trần Phú, Him Lam từ năm 2014 bắt đầu mua gom và gia tăng liên tục tỉ lệ sở hữu tại Postef.

Sau VNPT, 2 cổ đông lớn còn lại của Postef hiện là LVS và ông Dương Trung Lợi – đều là các cổ đông có liên hệ Him Lam Group. Bà Nguyễn Thị Bích Hồng – người vừa thoái hết vốn vừa qua là Chủ tịch HĐQT LVS. Trong năm 2020, Postef còn một cổ đông lớn khác, là ông Huỳnh Văn Phát, sở hữu 5,838%, cũng đã bán thoả thuận số cổ phần này.

Ông Phát là Tổng giám đốc LVS. Do đó nhiều khả năng đây tiếp tục là động thái tái cơ cấu của nhóm Him Lam. Và tỷ lệ sở hữu thực tế của tập đoàn của ông Dương Công Minh tại Postef duy trì không dưới 29,4%

Liên quan đến dự án 61 Trần Phú. vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022, khu nhà cổ 4 mặt tiền giữa trung tâm Ba Đình được quây kín để thực hiện tháo dỡ, triển khai thi công dự án.

Sự kiện này thu hút sự chú ý lớn của dư luận, khi nhiều ý kiến lo ngại, tiếc nuối việc phá bỏ tòa nhà có từ thời Pháp với lịch sử 100 năm, và thay thế bằng một công trình 11 tầng nổi sẽ phá vỡ cảnh quan, kiến trúc và gây áp lực lên hạ tầng giao thông quanh khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Ngày 6/4, Thành Uỷ Hà Nội và Bộ Xây dựng đã yêu cầu rà soát lại dự án.

Ngoài dự án 61 Trần Phú, Postef còn hợp tác với CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Sông Hồng triển khai dự án thương mại 63 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân) rộng 13.000m2. Postef có chủ trương chuyển nhượng dự án này ngay khi đủ điều kiện và được VNPT chấp thuận.

Về lĩnh vực kinh doanh chính, năm 2022, Postef kế hoạch doanh thu 1.229,5 tỷ đồng, lãi sau thuế 19,3 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 9,3% và 45,6% so với năm 2021.

Kết thúc phiên giao dịch 25/4, cổ phiếu POT trên sàn HNX giảm 4,36% về 32.900 đồng/CP, tương đương vốn hoá 639 tỷ đồng