Gần như kiệt quệ vì Covid-19, Vietnam Airlines cần ít nhất 5 năm để bù lỗ

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, đến nay, hãng không đặt vấn đề lãi lỗ nữa, thay vào đó, doanh nghiệp quan tâm nhất là giải pháp hành chính, đặt ra vấn đề phục hồi thế nào mới là quan trọng. Hãng xác định vẫn phải “nuôi quân” và vượt qua khủng khoảng, do đó rất cần nguồn tiền hỗ trợ.

“Với quy mô như Vietnam Airlines khoảng hơn 100 máy bay và ảnh hưởng như năm nay, dự tính nếu sau dịch bệnh mà làm ăn tốt, có các cơ chế đảm bảo, cần tối thiểu 5 năm nữa mới bù được khoản lỗ đã phát sinh”, ông Thành ước tính.

Đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng, nhưng đến nay đã cạn kiệt, đang phải gia tăng vay ngắn hạn. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Vậy nên, với mọi doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ không phải trong thời gian dịch bệnh mà phải đặt vấn đề là trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bởi có ngành ảnh hưởng 1 đến 2 năm, thậm chí có ngành mất 3 đến 4 năm.

Lãnh đạo hãng hàng không quốc gia cho rằn,g các ngành kinh tế lớn đều bị ảnh hưởng, do vậy các gói hỗ trợ phải có lộ trình và thứ tự, những ngành nào mang tính chất dẫn đường, mang tính chất cơ bản thì cần được ưu tiên trước.

Về đề xuất, ông Thành đề nghị cần giải pháp cấp bách phê duyệt đề án đầu tư máy bay. Vấn đề tiếp theo là chuẩn bị cho phục hồi, hãng cần các cơ quan giải quyết giúp vướng mắc để đơn vị đầu tư dự án xây dựng nhà ga sửa chữa máy bay ở Nội Bài.

Vietnam Airlines cũng mong muốn Hà Nội triển khai các kế hoạch phục hồi du lịch sớm, đẩy nhanh tốc độ triển khai các cơ chế tài chính, giảm các loại thuế, hỗ trợ các chính sách về chế độ người lao động… để tạo điều kiện chuẩn bị cho giai đoạn mới.

Trước đó, theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước vừa gửi Thủ tướng, 7/19 tập đoàn, tổng công ty bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỉ đồng, trong đó riêng Vietnam Airlines thiệt hại nặng nhất, với số lỗ 2.382 tỉ đồng.

Vietnam Airlines hiện đã triển khai dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu.

Từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.

Đáng lưu ý, báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn cũng cho thấy, đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng, nhưng đến nay đã cạn kiệt, đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.

Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/03/2020 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Vũ Đậu (TH)/SHTT