Hệ sinh thái Sovico ‘dồn dập’ phát hành trái phiếu

Hệ sinh thái Sovico
Hệ sinh thái Sovico.

Dày đặc mật độ phát hành

Chỉ riêng trong tháng 11/2021 Sovico đã 2 lần tổ chức phát hành trái phiếu trị giá mỗi lần phát hành là 1.000 tỷ đồng.

Sovico được biết đến là tập đoàn đa ngành, đầu tư và hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, hàng không, bất động sản, năng lượng, quản lý tài sản và đầu tư.

Tính chung cả năm 2021, Sovico cùng đơn vị thành viên đã có 7 lần phát hành trái phiếu với tổng trị giá 8.000 tỷ đồng.

sovico-png-3677-1639536987.png
Trái phiếu Sovico phát hành trong 11 tháng năm 2021.

Cả 7 lần phát hành trái phiếu trong năm 2021 Sovico đều phát hành loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Lãi suất cố định 10,5%/năm được trả định kỳ 6 tháng/lần.

Tất cả đều đáo hạn vào năm 2024.

Lần phát hành trái phiếu gần nhất của doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Sovico là đầu năm 2022. Theo đó, tháng 2/2022, Vietjet Air (mã chứng khoán VJC) đã thông báo kết quả chào bán 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức trong nước với kỳ hạn 36 tháng.

Đây cũng là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, trả lãi 6 tháng/lần. Lãi suất thực tế được tính 9,5%/năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên, các kỳ còn lại sẽ tính lãi suất bằng biên độ tối đa 3,5%/năm cộng lãi suất tham chiếu.

Trước đợt phát hành này, Vietjet Air đã 6 lần huy động vốn thông qua kênh trái phiếu với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng và kỳ hạn 36 hoặc 60 tháng. Như vậy, hãng hàng không đã huy động tổng cộng 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong khoảng 1 năm qua.

Theo Báo cáo tài chính quý 4/2021, nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2021 của Vietjer Air là 34.909 tỷ đồng. Trong năm 2021 nợ vay và trái phiếu phát hành dài hạn tăng vọt từ 1.347 tỷ đồng lên 8.206 tỷ đồng.

Theo dữ liệu, trong giai đoạn từ đầu năm 2019 đến ngày 30/11/2021 Sovico và các đơn vị thành viên, liên quan còn 159 lô trái phiếu đang phát hành với tổng giá trị là 29.700 tỷ đồng.

screenshot_1649988388.png
Một số lô trái phiếu do Sovico và công ty thành viên, liên quan đang phát hành.

Đáng chú ý là phần lớn các trái phiếu do Sovico phát hành đều là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và được tư vấn phát hành bởi Công ty CP chứng khoán HDB, một công ty thuộc hệ sinh thái Sovico.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng…

Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ

Các trái chủ lo lắng về dòng tiền

Năm 2018 Công ty CP Sovico (Sovico Holdings) có 3 cổ đông là Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Cảnh Sơn và nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc của VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico.

Đáng nói là chỉ trong thời gian ngắn, từ ngày 31/10/2018 đến 28/12/2018, Sovico Holdings đã tổ chức phát hành tới 7 lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị phát hành 3.000 tỷ đồng.

Điều khiến các trái chủ ôm trái phiếu của Sovico bất ngờ là vào tháng 6/2019, Đại hội đồng cổ đông Sovico Holdings đã thông qua Nghị quyết chia tách Sovico Holdings để thành lập thêm 3 công ty khác.

Theo đó, số vốn điều lệ 7.000 tỷ đồng của Sovico Holdings bị tách ra cho 3 công ty mới thành lập là Công ty CP bất động sản Sovico được chia vốn điều lệ 4.284 tỷ đồng, Công ty CP năng lượng Sovico được chia vốn điều lệ 10 tỷ đồng và Công ty CP đầu tư Sovico được chia vốn điều lệ 33 tỷ đồng.

Như vậy, với việc chia tách này vốn điều lệ cho 3 công ty mới thì vốn điều lệ của Sovico Holdings giảm từ 7.000 tỷ đồng bị rút xuống còn 2.673 tỷ đồng.

Ngoài việc chuyển vốn điều lệ sang 3 công ty mới thì Sovico Holdings không chuyển bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào khác, kể cả nghĩa vụ trả nợ – bao gồm cả nghĩa vụ chi trả cho 7 lô trái phiếu vừa phát hành.

Các trái chủ lo lắng hơn khi có công ty thành viên của Sovico gần như không hoạt động kinh doanh vẫn thực hiện huy động vốn từ phát hành trái phiếu.

Như trường hợp Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon – mã chứng khoán LSG).

Theo dữ liệu từ báo cáo tài chính năm 2019, Land Sai Gon không có doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là bất động sản mà lợi nhuận chính lại đến từ lãi đầu tư trái phiếu.

Từ ngày 18/12/2018 đến 4/11/2019, Land Sai Gon đã phát hành tổng cộng 18 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành là 3.000 tỷ đồng.

Đường đi của dòng tiền mà Land Sai Gon có được từ phát hành trái phiếu vẫn là “ẩn số”.

Theo báo cáo tài chính quý 2/2019 của Land Sai Gon có ghi nhận khoản đầu tư giá trị 1,002 tỷ đồng vào Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ. Trong khi đó Cường Vũ mới thành lập năm 2017 và “nổi lên” với thương vụ chi ra hơn 2,000 tỷ đồng để mua 94 triệu cổ phiếu VCG (Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam) từ Viettel.

Lật lại báo cáo tài chính 2018 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 cho thấy khoản đầu tư của Land Sai Gon vào Cường Vũ được dùng để mua cổ phiếu VCG.

Land Sai Gon đang là chủ đầu tư dự án Dragon Riverside City (nằm trên khu đất số 628-630 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5 Thành phố Hồ Chí Minh). Các nhà đầu tư được giới thiệu là khoản đầu tư trái phiếu Land Sai Gon sẽ được dùng vào việc triển khai dự án này.

Tuy nhiên, đây là dự án có nguồn gốc đất công nên Land Sai Gon bị vướng nhiều thủ tục pháp lý khi triển khai. Ngoài ra dự án cũng vướng nhiều sai phạm thời gian qua.

Năm 2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định 795/QĐ-XPVPHC bắt buộc chủ đầu tư dự án phải dừng thi công xây dựng công trình và buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm, cụ thể: tháo dỡ toàn bộ tầng hầm B1, B2, tổng diện tích 25.049,8m2. Tháo dỡ toàn bộ diện tích vi phạm tại tầng trệt của các tháp A, B, C, D và nắp hầm mở rộng với tổng diện tích là 9.700m2.

Đến thời điểm này Dragon Riverside City vẫn là dự án dang dở, chịu cảnh “đắp chiếu” do vướng thủ tục pháp lý.

Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng vay và nợ tài chính của Land Sài Gòn đạt 3.160 tỷ đồng. Trong đó, có đến 1.550 tỷ đồng vay từ HDBank, một nhà băng thuộc hệ sinh thái Sovico. Khoản vay này được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản của dự án Chung cư Dragon Hill Premier thuộc dự án Dragon Riverside City.

Chính phủ yêu cầu:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực có tính đầu cơ. Tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Công an tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tín dụng đen, chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đất đai, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.