Hòa Phát chính thức thông qua việc đầu tư thêm 60.000 tỷ mở rộng dự án Dung Quất

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản ngày 25/3, cổ đông Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) chính thức thông qua chủ chương điều chỉnh dự án đầu tư khu liên hợp sản suất gang thép Hòa Phát Dung Quất – giai đoạn mở rộng với tỉ lệ tán thành lên đến 72%.

“Siêu dự án” Dung Quất có tổng mức đầu tư dự kiến 60.000 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định dự kiến là 50.000 tỷ đồng, vốn lưu động là 10.000 tỷ đồng.

Về cơ cấu vốn cố định, vốn tự có dự kiến 30.000 tỷ đồng vốn góp và vốn vay 20.000 tỷ đồng. Nguồn vốn tự có 30.000 tỷ đồng được các cổ đông góp theo tiến độ triển khai dự án và được lấy từ vốn chủ sở hữu và các nguồn khác.

Hòa Phát chính thức thông qua việc đầu tư thêm 60.000 tỷ mở rộng “siêu dự án” Dung Quất.

Tiến độ thực hiện dự án chia làm 2 phân kỳ, trong đó phân kỳ I là xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp phép xây dựng; phân kỳ II là xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 36 tháng kể từ khi phân kỳ I hoàn thành.

Dự án giai đoạn mở rộng có diện tích đất sử dụng khoảng 166ha. Quy mô dự án là 5 triệu tấn thép bao gồm 3 triệu tấn thép tấm cuộn HRC, 1 triệu tấn thép hình cỡ trung, 0,5 triệu tấn thép dây cuộn chất lượng cao, 0,5 triệu tấn thép tròn cơ cơ khí chế tạo.

Theo các chuyên gia của VNDirect, mặc dù tổng mức đầu tư của giai đoạn mở rộng rất lớn nhưng VNDirect cho rằng sẽ không tạo áp lực lớn lên Hòa Phát. Cụ thể, việc dự án mở rộng cần nguồn vốn cố định khoảng 50.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư của Hòa Phát tại “siêu dự án” này sẽ lên đến trên 100.000 tỷ đồng.

Đánh giá sơ bộ về kế hoạch mở rộng “siêu dự án” thép Dung Quất của Hòa Phát, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho biết, dòng tiền tích lũy đến năm 2023 gồm cả chi phí khấu hao và lợi nhuận thuần sau khi trích lập các quỹ và trả cổ tức (nếu có) sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu vốn của Hòa Phát là 30.000 tỷ đồng.

“Do vậy, ít có khả năng công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn trong kỳ”, HSC nhận định.

Tuy nhiên, theo HSC, cổ tức tiền mặt (nếu có) trong giai đoạn 2020-2022 dự kiến sẽ thấp.

Liên quan đến doanh nghiệp này, mới đây, ông Trần Vũ Minh, con trai của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, đã đăng ký mua 40 triệu cổ phiếu chỉ trong hơn một tháng khi giá tiếp tục giảm sâu.

Nam Phương/Sở hữu trí tuệ