Hơn 30.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 6

Theo báo cáo thị trường trái phiếu tiền tệ tháng 6 của Công ty Chứng khoán MB (MBS), số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và FiinGroup cho thấy khối lượng phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng tiếp tục tăng mạnh.

Cụ thể, trong tháng 6/2022 đã có hơn 30.578 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở thị trường trong nước và 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế. Toàn bộ số trái phiếu chuyển đổi quốc tế đều là của Tập đoàn Vingroup.

Trong tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng phát hành của riêng nhóm ngân hàng chiếm lớn nhất, tương ứng 25.500 tỷ đồng, chiếm 80% khối lượng phát hành. Tháng 5 trước đó, ngân hàng thương mại cũng là nhóm dẫn đầu về khối lượng phát hành, với khối lượng là hơn 14.600 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng khối lượng phát hành tháng 5.

Trong tháng 6, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất đạt 9.455 tỷ đồng, trái phiếu kỳ hạn 1,25-10 năm, lãi suất phổ biến trong khoảng 6,45-6,55%/năm.

Đứng thứ hai về khối lượng phát hành tháng 6 là Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) với 7.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, theo sau là Ngân hàng Phương Đông (OCB) phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu; Ngân hàng Quân đội (MBBank) phát hành 2.730 tỷ đồng, Ngân hàng Quốc tế (VIB) phát hành 1.400 tỷ đồng…

Sau tháng 4 “vắng bóng” trên thị trường trái phiếu, nhóm bất động sản đã “tái xuất” trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Tháng 5 trước đó, nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ hai về phát hành với 6.879 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 28,53% tổng giá trị phát hành. Nổi bật nhất là Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) với 5.774 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 10 năm.

Đến tháng 6, nhóm bất động sản phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu. Dù khối lượng phát hành chỉ bằng một phần so với nhóm ngân hàng, song đây lại là nhóm có lãi suất trái phiếu cao nhất tháng 6, ở mức 9,35%/năm. Cụ thể, đây là lãi suất trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, với 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản còn có Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc phát hành 820,18 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Đây là chủ Đầu tư của nhiều dự án có liên quan trực tiếp đến Vingroup như Vinpearl Phú Quốc Resort & Golf, VinOasis, Công viên Vinpearl Safari… Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco phát hành 120 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, Công ty Cổ phần IMG Phước Đông phát hành 100 tỷ đồng kỳ hạn 8 năm…

Trái phiếu vẫn được coi là kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế, bên cạnh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, vay ngân hàng có nhiều bất tiện.

Bất tiện thứ nhất là doanh nghiệp chưa chắc nhận trực tiếp tiền từ ngân hàng mà có thể phải nhận từ bên thứ 3. Thứ 2, vay ngân hàng phải trả cả gốc lẫn lãi hàng quý, hàng năm còn trái phiếu chỉ cần trả lãi, còn phần gốc, khi nào đáo hạn mới phải trả.

Thứ 3, ưu việt của trái phiếu là có thể đảo nợ – tức đến hạn chưa có tiền trả thì có thể phát hành lô mới. Theo TS Lê Xuân Nghãi, đây không phải điều xấu bởi nếu kỳ hạn trái phiếu chỉ được khoảng 3 năm, doanh nghiệp vẫn đang loay hoay thì đã đáo hạn.

“Nhất là doanh nghiệp bất động sản, dự án có thể kéo dài 5-7 năm mà tín dụng ngân hàng thì lại không đảo được. Trái phiếu nhờ đảo nợ mà trở thành kênh huy động vốn trung – dài hạn, thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.