Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên được DANKO mời đến dự khởi công dự án không phép?

Động thổ khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, nhiều lãnh đạo góp mặt

Thời gian qua, Thái Nguyên trở thành điểm “nóng” thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với sự xuất hiện của các dự án lớn, quy mô nghìn tỉ đồng. Trong đó, dự án khu nhà ở Cao Ngạn phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên (Danko City) là một dự án nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây.

Qua tìm hiểu Dự án Danko City – Danko City Thái Nguyên (sau đây viết tắt là Dự án), nằm trên địa bàn phường Chùa Hang và xã Cao Ngạn, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Dự án có tổng diện tích gần 50ha do Công ty Cổ phần tập đoàn Danko (sau đây viết tắt là Công ty) làm chủ đầu tư.

Phối cảnh dự án. Nguồn: dankocitys.com

Tháng 5/2019, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, tại tổ 3, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên. Danko Group được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án với tổng mức đầu tư tới 1.300 tỉ đồng này theo hình thức chỉ định thầu.

Thế nhưng, khi chưa có Quyết định giao đất, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, ngày 28/7/2019, Danko Group đã tổ chức động thổ thi công dự án Khu nhà ở Cao Ngạn. Ngay sau lễ động thổ, đơn vị thi công đã tổ chức san ủi, đổ đất san lấp tạo mặt bằng và xây dựng các hạ tầng kỹ thuật của dự án.

Mặc dù đại diện Công ty CP Tập đoàn Danko (Danko Group) sáng ngày 28/3/2020 xác nhận thông tin dự án kể trên đã được Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật xây dựng cho dự án Khu nhà ở Cao Ngạn (Danko City), thành phố Thái Nguyên, giai đoạn 1 diện tích 47,22ha.

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ Báo Giao Thông, vào thời điểm dự án động thổ, ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên khẳng định, dự án Khu nhà ở Cao Ngạn chưa được phép khởi công. Việc chủ đầu tư tổ chức động thổ trái quy định, Lãnh đạo Sở đã yêu cầu Uỷ ban nhân dân TP Thái Nguyên xử lý nghiêm theo quy định.

Thời điểm đó, đại diện Công ty Danko thừa nhận dự án Danko City chưa được cấp phép. Hiện tại dự án đang san lấp mặt bằng. “Giai đoạn vừa rồi chủ đầu tư làm thủ tục động thổ lấy ngày vì sếp tâm linh. Trong quá trình giải phóng mặt bằng có thực hiện san gạt để chống tái lấn chiếm“, vị này giải thích.

Như vậy, điều đáng nói là lễ động thổ trái quy định này còn có sự tham dự của khá nhiều lãnh đạo TP Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên. Như vậy, trong khi dự án chưa đầy đủ thủ tục pháp lý mà đã động thổ, đáng lý ra các cấp chính quyền phải đứng ở vị trí người phát hiện kịp thời và xử lý, thì thay vào đó, lại đứng vào dự phần cùng với buổi lễ động thổ.

Lễ động thổ Danko City Cao Ngạn, Chùa Hang, Thái Nguyên.

San lấp khi chưa có DTM

Đến ngày 20/1/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên mới có Quyết định số 231/QĐ-UBND quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Danko City.

Trong khi đó, tính đến thời điểm tháng 12/2019, việc san lấp mặt bằng của Dự án đã được chủ đầu tư thực hiện hoàn thiện tới khoảng 70% và bước đầu rao bán đất nền.

Dự án đã được chủ đầu tư san lấp từ khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngày 18/12/2019, trao đổi với Báo chí, ông Nguyễn Thế Giang – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Cho đến nay, Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên chưa thẩm định ĐTM cho Dự án Danko City Thái Nguyên. Việc Dự án chưa có ĐTM mà đã thực hiện việc san lấp mặt bằng là việc làm không phù hợp với quy định của pháp luật”.

Theo ông Khánh, sau khi được lựa chọn, nhà thầu phải thực hiện các thủ tục: Đề xuất chấp thuận đầu tư gửi cho Sở Xây dựng thẩm định; Sau khi thẩm định xong, Sở Xây dựng trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duỵệt chấp thuận đầu tư.

Cũng theo ông Khánh, Luật Xây dựng quy định, sau khi hoàn tất thủ tục như chấp thuận đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường…, khâu cuối cùng phải xin cấp phép xây dựng, được Sở Xây dựng cấp phép mới được khởi công. Khi khởi công phải thông báo cụ thể đến chính quyền địa phương, xã phường, các cơ quan quản lý xây dựng bằng văn bản trước 7 ngày.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã san lấp một diện tích rất lớn như trên trong khi chưa được các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Cũng vì thế, mọi hoạt động kinh doanh bán hàng, giao dịch và nhận tiền của khách hàng để bán nhà “trên giấy” là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Trong khi đó, ngay sau lễ động thổ, đơn vị thi công đã tổ chức san ủi, đổ đất san lấp tạo mặt bằng và xây dựng các hạ tầng kỹ thuật của dự án. Một dự án quy mô lớn đến thế thi công rầm rộ trong một thời gian dài, và lễ động thổ trọng thể được diễn ra khi chưa có giấy phép, được san lấp mặt bằng khi chưa đủ cơ sở pháp lý, tuy nhiên tại sao lễ động thổ vẫn có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo Thái Nguyên là một câu hỏi mà dư luận đang tìm kiếm câu trả lời.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ