Liên minh ‘ma quỷ’ MIK – VPBank – Hải Thành với sai phạm của Thứ trưởng Quốc Phòng

Đất quốc phòng rơi vào tay tư nhân

Viện Kiểm sát quân sự trung ương vừa hoàn tất cáo trạng truy tố cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và 7 bị can liên quan đến vụ sai phạm đất đai xảy ra tại 3 khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1 (TP.HCM).

Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiến bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Vũ Đình Luyện, một nhân vật quan trọng khác của MIK Group cũng liên quan đến VPBank.

Các bị can: Bùi Như Thiềm, Bùi Văn Nga, Đoàn Mạnh Thảo, Trần Trọng Tuấn (phó giám đốc công ty Hải Thành) bị truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý đất đai”; Đinh Ngọc Hệ, Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan bị truy tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, các khu đất số 2, số 7-9 và số 9-11 (tổng cộng hơn 7.300m2) đường Tôn Đức Thắng có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng hải quân (QCHQ).

Ngày 13-3-2006, Thường vụ Đảng ủy QCHQ đã họp và nhất trí phương án hợp tác kinh doanh các khu đất trên và giao cho chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo trực tiếp chỉ đạo.

Theo đó, Công ty Hải Thành phối hợp với cơ quan chức năng đề xuất, tổ chức thực hiện hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trên 3 khu đất này, nhưng bảo đảm đúng quy định của pháp luật và có lợi cho quân chủng.

Đầu tháng 10-2006, Thành ủy, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương để lại toàn bộ tiền sử dụng đất cho Bộ tư lệnh Hải quân để chi phí giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng doanh trại hoặc cơ sở phúc lợi cho các đơn vị của hải quân.

Quá trình thực hiện, các bị can Bùi Như Thiềm (nguyên trưởng phòng kinh tế QCHQ), Bùi Văn Nga (nguyên giám đốc Công ty Hải Thành), Đoàn Mạnh Thảo (nguyên trưởng phòng tài chính QCHQ) đã đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh QCHQ và trực tiếp thực hiện các phương án chuyển mục đích sử dụng 3 khu đất trên từ đất quốc phòng sang đất làm kinh tế trái quy định về quản lý đất đai.

Cụ thể, mặc dù QCHQ chưa có báo cáo đề nghị Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhưng Thiềm, Thảo đã trình Thường vụ Đảng ủy QCHQ xin ý kiến để ký các hợp đồng liên doanh liên kết xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê trong thời hạn từ 45-49 năm, với mức khoán từ 4,5-5 USD/tháng/m2 trong suốt thời hạn liên doanh.

Ông Nguyễn Văn Hiến (khi đó là tư lệnh QCHQ) đã ký nhiều văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan xin chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng, đưa 3 khu đất vào hợp tác kinh doanh, xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê.

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng nhất trí về chủ trương nhưng chỉ đạo: “Không được góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vì sẽ bị mất đất”. Tuy nhiên, với sai phạm của các bị can, cả 3 lô đất này đều đã rơi vào tay tư nhân.

Tháng 8/2007, Hải Thành và Công ty TNHH Cảnh Hưng đã tham gia góp vốn thành lập liên doanh Công ty TNHH Cảnh Hưng – Hải Thành (Cảnh Hưng – Hải Thành) để làm chủ đầu tư của dự án cao ốc văn phòng trên khu đất rộng 2.190 m2 tại số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng.

Trong đó, Hải Thành chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu ở mức 12,71%, phần vốn còn lại (tương đương với 87,29% vốn điều lệ) trong liên doanh thuộc về phía đối tác tư nhân do ông Phạm Duy Tân làm Chủ tịch.

Dự án không lâu sau có dấu hiệu gặp khó về nguồn vốn. Liên doanh Cảnh Hưng – Hải Thành tới cuối năm 2010 thậm chí đã đại chúng hoá công ty, và xuất hiện trên sàn OTC.

Chỉ ít tháng sau, dự án tháng 4/2011 nhanh chóng tìm được nhà đầu tư mới, khi nhóm cổ đông sáng lập bán 80% cổ phần Cảnh Hưng – Hải Thành cho CTCP Đầu tư Châu Thổ (Delta Corp). Tới tháng 8/2011, từ 103 cổ đông, Cảnh Hưng – Hải Thành chỉ còn 5 cổ đông, gồm Đầu tư Châu Thổ (80%), Hải Thành giữ nguyên 12,71%, Cảnh Hưng co về còn 4,17%, ông Phạm Duy Tân nắm 1,02% và bà Nguyễn Thu Hồng sở hữu 2,1%. Dự án sau đó được giới thiệu với tên gọi thương mại Delta Riverside Tower.

Theo tìm hiểu, Đầu tư Châu Thổ là pháp nhân có tiềm lực, khi từng là cổ đông lớn nhất của VPBank với tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp lên tới 16,3% trước khi thoái vốn vào đầu năm 2013. Bên cạnh đó, pháp nhân này cũng nắm giữ lượng lớn cổ phần của Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận – chủ đầu tư Tổ Hợp Du Lịch Thung Lũng Đại Dương có diện tích khoảng 986 ha nằm tại khu vực xã Tiến Thành, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Chủ mới của dự án – Đầu tư Châu Thổ được thành lập tháng 5/2007, từng có Chủ tịch HĐQT là doanh nhân Vũ Đình Luyện, người được biết đến với vai trò lãnh sự danh dự Ukraine tại TP HCM. Năm 2012, Đầu tư Châu Thổ là tâm điểm của giới tài chính, khi bất ngờ nắm giữ (trực tiếp và gián tiếp) hơn 16,3% cổ phần VPBank.

Doanh nghiệp sau này đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư KM tới đầu tháng 10/2017 có vốn điều lệ 2.876 tỉ đồng, trong đó, Công ty TNHH Đầu tư BĐS An Thịnh Lộc nắm 24,49%, Công ty TNHH Kinh doanh BĐS LC 19,89% và Công ty TNHH Kinh doanh Quốc tế Siver Field là công ty mẹ, sở hữu 56,62%.

Tuy nhiên pháp nhân này chỉ hai tuần sau đã đổi chủ, khi được một thành viên tập đoàn Novaland mua lại 99,9% cổ phần.

Trở lại với liên doanh Cảnh Hưng – Hải Thành, tới tháng 4/2012, Đầu tư Châu Thổ đã rút hết cổ phần, nhượng lại toàn bộ phần vốn cho Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam, chính là tiền thân của Công ty TNHH Đầu tư BĐS An Thịnh Lộc vừa đề cập ở trên.

Cơ cấu sở hữu này duy trì cho đến nay. Cần nhấn mạnh rằng An Thịnh Lộc hay Đầu tư Châu Thổ đều liên hệ chặt chẽ tới MIK Group – một tập đoàn bất động sản mang đậm hình bóng của giới chủ VPBank.

Sau khi ổn định cơ cấu sở hữu, dự án với dòng vốn từ VPBank nhanh chóng được triển khai trên phần đất có diện tích 2.190 m2, quy mô 27 tầng cao và 4 tầng hầm với nhà thầu uy tín Coteccons. Dự án trước khi hoàn thành một lần nữa được đổi tên thành Waterfront Saigon.

Cuối năm 2014, ở một trong những sự kiện đầu tiên sau khi thành lập, Tập đoàn M.I.K Corporation (nay là MIK Group) đã kí kết hợp đồng quản lí 222 căn hộ dịch vụ cao cấp tại dự án Waterfront Saigon với The Ascott Limited của Singapore.

Tại buổi lễ trang trọng đó, doanh nhân Vũ Đình Luyện xuất hiện và phát biểu với tư cách Chủ tịch HĐQT M.I.K Corp…

Cách đây cả thập kỉ, các đại gia ngân hàng “gốc” Đông Âu đã nhìn ra tiềm năng đặc biệt hấp dẫn của lĩnh vực bất động sản. Nhóm Đầu tư TCO – Thảo Điền Invest cũng như nhóm Đầu tư Châu Thổ – MIK Group, với nguồn vốn từ các nhà băng thân hữu đang trở thành những tay chơi rất đáng chú ý trong làng địa ốc Việt, dù họ có chủ đích lộ diện hay không!

Mối liên hệ MIK và VPBank

Công ty TNHH MIK Group Việt Nam (MIKGROUP) tiền thân là Công ty TNHH Terra Capital Vietnam được thành lập ngày 02/06/2014, sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Phát triển BĐS M.I.K Việt Nam.

Dù chỉ mới được thành lập, song doanh nghiệp này đã và đang đồng thời triển khai một loạt dự án “khủng” có tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng như Imperia Garden, Imperia Sky Garden, Valencia Garden tại Hà Nội; Imperia An Phú, The Ascott Waterfront Saigon, The Park Residence, Villa Park, Park Riverside, River Park tại TP Hồ Chí Minh.

Sự lớn mạnh quá nhanh của M.I.K Việt Nam khiến nhiều người đặt dấu hỏi việc doanh nghiệp này được những “đại gia” nào hậu thuẫn về mặt tài chính để phát triển hàng loạt dự án.

Sau hơn 3 năm thành lập, số cổ đông của MIK Group đã tăng từ 2 lên 11 cổ đông, vốn điều lệ cũng tăng gần 7 lần, từ mức 300 tỷ lên 2.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp, song các thành viên của MIK Group đều ít nhiều có mối liên hệ với VPBank.

Trong số các cổ đông là cá nhân góp vốn, đầu tiên phải kể đến ông Vũ Tiến Đức. Ngoài phần vốn góp 192 tỷ đồng (tương đương 9,6%), ông Đức còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐTV, kiêm tổng giám đốc của MIK Group. Vợ ông Đức là bà Nguyễn Quỳnh Anh – Trưởng ban Kiểm soát VPBank. Bản thân ông Đức cũng từng sở hữu hơn 5,9 triệu cổ phần VPBank, tương đương 0,64% và bà Quỳnh Anh sở hữu 28,7 triệu cổ phần nhà băng này

Tuy nhiên giữa tháng 9/2016, ông Đức đã thoái hết vốn khỏi VPBank, đồng thời số cổ phần của bà Nguyễn Quỳnh Anh trong thời gian này cũng tăng lên 33,2 triệu, tương đương 3,62% cổ phần VPBank. Sự thay đổi rất nhanh về cổ phần sở hữu, khiến nhiều người đặt ra nghi vấn có thể ông Đức đã chuyển nhượng số cổ phần này cho vợ để tập trung cho MIK Group. Tuy nhiên, đến tháng 1/2017, bà Quỳnh Anh đã có đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Thành viên tiếp theo là ông Vũ Đình Luyện, một nhân vật quan trọng khác của MIK Group cũng liên quan đến VPBank.

Trước đây, ông Luyện là Lãnh sự danh dự Ukraine tại TP. HCM và từng giữ chức Chủ tịch HĐQT MIK Group. Ngoài việc góp 246,4 tỷ đồng tương đương 12,3% vào MIKGROUP, ông Luyện hiện là người đại diện pháp luật Công ty TNHH Kinh doanh Quốc tế MIK – cổ đông lớn của MIK Group với vốn góp 320 tỷ đồng, tương đương 16%. Ngoài ra, ông Luyện còn là người đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Thổ – cổ đông lớn nhất của VPBank với hơn 86 triệu cổ phần (14,99%) trước khi thoái hết vào cuối tháng 12/2012.

Trong số các cổ đông cá nhân góp vốn vào MIKGroup, còn xuất hiện một cái tên khác đáng chú ý là Nguyễn Quang Hưng. Ông Hưng có 207,2 tỷ đồng tiền vốn góp (tương đương 10,36 tỷ đồng), đồng thời đảm nhiệm chức Giám đốc Công ty CP Đầu tư Việt Hải.

Được biết, Việt Hải là công ty do ông Bùi Hải Quân – phó chủ tịch HĐQT VPBank đứng tên Giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT. Ông Quân cùng vợ là bà Kim Ngọc Cẩm Ly đang sở hữu tới 99,9% vốn góp trong Đầu tư Việt Hải. Cuối tháng 3/2017, Công ty CP Đầu tư Việt Hải đã thoái toàn bộ 21,7 triệu cổ phần VPBank, tương đương 2,02%vốn cổ phần của Ngân hàng này. Cá nhân ông Bùi Hải Quân cũng có hơn 26,9 triệu cổ phần VPBank tương đương 2,502% vốn điều lệ ngân hàng và bà Kim Ngọc Cẩm Ly đang sở hữu 46,4 triệu cổ phiếu, tương đương 4,311% vốn điều lệ VPBank.

Một cổ đông cá nhân khác có liên hệ trực tiếp với VPBank là ông Trần Ngọc Bê. Ông Trần Ngọc Bê sở hữu 10,8% cổ phần MIK Group. Vợ ông Bê là bà Ngô Thanh Hằng – chị gái của Chủ tịch HĐQT VPBank ông Ngô Chí Dũng. Như vậy, ông Trần Ngọc Bê chính là anh rể của ông Ngô Chí Dũng.

Ngoài ra, trong số các cổ đông là pháp nhân, có một vài doanh nghiệp có mối liên hệ gián tiếp với VPBank. Điển hình như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Tiến An, với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Trường Sơn. Ông Sơn là cổ đông lớn nhất, là thành viên HĐQT và nắm 40% cổ phần Công ty CP HBI, đơn vị hợp tác với MIK Group phát triển dự án Imperia Garden 203 Nguyễn Huy Tưởng. Ông Sơn đồng thời đang là Chủ tịch Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng – VPBank. Trước đó, ông làm việc tại Công ty CP Đầu tư Liên Minh, đơn vị do ông Ngô Chí Dũng- Chủ tịch HĐQT VPBank làm chủ tịch HĐQT.

Bằng việc sở hữu chéo, cùng mối quan hệ khăng khít, ràng buộc, mà đầu mối cuối cùng chính là Ngân hàng VPBank. Vì thế, không khó hiểu khi VPBank chính là tổ chức tín dụng gần như duy nhất tài trợ cho hầu hết các dự án của MIK Group.

Lê Linh (TH)/Sở hữu trí tuệ