Liên tục “xoay” tiền, câu chuyện phát hành trái phiếu của Trung Nam Group chưa dừng lại?

Con số này có lẽ sẽ không dừng lại, bởi lãnh đạo doanh nghiệp từng thông tin, dự tính huy động tới 500 triệu USD trái phiếu (khoảng 12 ngàn tỷ đồng) trong vòng 3 năm kế tiếp, đồng thời đang cân nhắc niêm yết cổ phiếu Trung Nam lên sàn chứng khoán.

Liên tục “xoay” tiền…

Như đã thông tin, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (được biết đến là Tập đoàn Trung Nam – Trungnam Group) được dư luận quan tâm khi là một trong những doanh nghiệp có hệ sinh thái phát hành trái phiếu rất lớn trong những năm gần đây. Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 15/9 Trungnam Group công bố kết quả phát hành lô trái phiếu trị giá 430 tỷ đồng. Cụ thể, lô trái phiếu có khối lượng 430,000 đơn vị, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 12 tháng, hoàn tất phát hành vào ngày 09/09/2022 và đáo hạn vào ngày 24/06/2023.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của CTCP Trung Nam tại dự án Golden Hills City (Đà Nẵng) cùng 5 triệu cổ phần của Đầu tư Xây dựng Trung Nam thuộc sở hữu của bà Đào Thị Minh Huệ.

Trước đó vào ngày 29/07, Tập đoàn Trung Nam cũng hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 100 tỷ đồng, tổng khối lượng 100 trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm, sẽ đáo hạn vào ngày 29/07/2024.

Đây là lô trái phiếu thứ 5 được Trung Nam phát hành trong năm 2022, với tổng giá trị lên tới hơn 3.2 ngàn tỷ đồng. Cụ thể, ngoài đợt huy động 430 tỷ đồng và 100 tỷ đồng nêu trên, thì giữa tháng 6 Tập đoàn đã huy động 300 tỷ đồng, tháng 5 là 400 tỷ đồng, tháng 4 là 2.000 tỷ đồng.

Năng lượng tái tạo là mảng chính và được Trung Nam Group đầu tư mạnh nhất.

Ngoài ra, tập đoàn cũng đang nghiên cứu thử nghiệm một nhà máy hydro xanh có công suất từ 120 đến 200 MW, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2025. Đại diện Trungnam Group thông tin, tập đoàn có kế hoạch sản xuất hydro xanh theo quy mô lớn vào năm 2030 và phần lớn sẽ dành cho việc xuất khẩu.

Đáng chú ý, ngày 31/8/2022, Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) bất ngờ thông báo tới Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (thành viên Trungnam Group) về việc dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (công suất 450MW) kể từ 0h00 ngày 1/9/2022.

Được biết, nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã đi vào hoạt động hơn 22 tháng. Trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500kV Thuận Nam cho EVN, dự án này còn phải chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và chi phí quản lý vận hành trạm khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong việc trả nợ vay ngân hàng.

Sau hơn 22 tháng vận hành, sản lượng truyền tải hộ cho các dự án thông qua trạm biến áp 500kV Thuận Nam là khoảng 4,2 tỉ kWh, tương ứng 360 tỉ đồng. Do vậy, việc EVN dừng huy động 40% công suất đồng nghĩa với việc dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư (Trung Nam Thuận Nam) về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất.

Trung Nam Group cho rằng, việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án Trung Nam – Thuận Nam là không phù hợp theo các điều khoản thoả thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và chủ đầu tư. Do đó, chủ đầu tư kiến nghị được xem xét tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá điện của dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW.

Tính đến cuối năm 2021, công ty mẹ Trungnam Group có tổng tài sản 41.111 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 23.321 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 23,8%, tương đương tổng nợ vay 2.780 tỷ đồng. Sức khỏe tài chính của công ty đã cải thiện đáng kể trong 2 năm dịch bệnh, giai đoạn 2017-2019, nợ vay gấp 2 đến 3 lần vốn chủ sở hữu nhưng đến 2020 giảm xuống 18,7% và cuối năm 2021 là 23,8% do tăng vốn.

Hoạt động kinh doanh của Trungnam Group dần khởi sắc các năm gần đây. Riêng 2021, doanh thu đạt 8.788 tỷ đồng, giảm 14,5% so với 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 2.104,5 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 132,6 tỷ đồng năm 2020 và là mức đột biến trong vòng 5 năm qua.

Trong năm 2021, Trungnam Group đã bán 49% cổ phần tại nhà máy điện mặt trời Trung Nam cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) và bán 35,1% cổ phần nhà máy điện gió Trung Nam cho Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE ) – thành viên của Tập đoàn Hitachi (Nhật Bản). Đây có thể là nguyên nhân giúp lợi nhuận tập đoàn đột biến năm qua.

Vào đầu tháng 7, Bloomberg đưa tin tập đoàn đang làm việc với tổ chức tư vấn tài chính để bán từ 30-35% vốn trong danh mục đầu tư, chủ yếu là dự án điện gió và điện mặt trời. Định giá mảng này có thể lên đến 1 tỷ USD. Đối với hợp nhất, tổng tài sản tính đến cuối năm 2021 lên đến trên 92.568 tỷ đồng. Ngoài công ty mẹ, 2 thành viên có tổng tài sản lớn gồm Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 – chủ đầu tư dự án điện gió Ea Nam và Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam – chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.