‘Lời hứa có cánh’ của ông Trịnh Văn Quyết và sự ‘thất hứa’ phũ phàng còn ai dám tin!?

Cú “áp phe” ROS gây “điên đảo” nhà đầu tư!

Như giới kinh doanh bất động sản đã biết, ngày 16/4 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC thông báo đã bán 53,8 triệu cổ phiếu CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) để giảm tỷ lệ nắm giữ còn 41,83%, tương ứng 237 triệu cổ phiếu, thay cho tỷ lệ hơn 51% trước đó.

Với thị giá 4.100 đồng/cp kết phiên 10/4, ước tính ông Quyết đã thu về gần 221 tỷ đồng để bán ra số lượng cổ phiếu trên. Tuy nhiên, ông Quyết vẫn là cổ đông lớn nhất, cộng thêm sở hữu của hai người liên quan, tổng tỷ lệ sở hữu tại FLC Faros hơn 42%.

Trước đó, vào cuối năm 2019 – đầu năm 2020, ông Trịnh Văn Quyết đã hai lần thoái vốn khỏi FLC Faros với tổng khối lượng bán ra là 91 triệu đơn vị, giảm sở hữu từ 382,2 triệu cổ phiếu (67,34%) xuống mức như hiện nay. Tại thời điểm thoái vốn đó, ông Quyết vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty.

Trong khi đó, tại phiên giao dịch ngày 10/4/2020 đánh dấu là một phiên giao dịch lịch sử của cổ phiếu ROS với khối lượng khớp lệnh kỷ lục đạt 82,3 triệu đơn vị, cao nhất kể từ thời điểm CTCP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS) chính thức niêm yết.

Trong khi nhiều nhà đầu tư còn đang băn khoăn ai là người bán ra thì đến ngày 16/4/2020, sau 6 ngày sau phiên khớp lệnh lịch sử của ROS, các diễn đàn đầu tư lan truyền báo cáo công bố chính thức về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn Trịnh Văn Quyết.

Còn nhớ, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của ROS, ông Quyết từng chia sẻ rằng “sẽ không bán cổ phần trong năm nay (năm 2019 – PV) và cũng chưa có kế hoạch bán trong các năm sau”. Chi tiết này sau đó đã được truyền thông trong nước đăng tải rộng rãi.

Và với quyết định bán gần 54 triệu cổ phiếu ROS vừa qua của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng.

Điều làm cho thương vụ này đáng chú ý hơn nữa là chỉ cách đây ít ngày, tức ngày 7/4/2020, Hội đồng quản trị ROS chính thức thông qua đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Trịnh Văn Quyết. Động thái này, đã đi ngược với những lời hứa của ông Quyết về tỷ lệ sở hữu lẫn giá cổ phiếu trong ĐHCĐ trước đó khiến nhiều nhà đầu tư “điên đảo” và rơi cảnh hụt hẫng hơn cả.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC

Cũng cần nhắc lại, với việc từ bỏ vai trò này, ông Quyết không phải thông báo trước 3 ngày khi thực hiện giao dịch với cổ phiếu ROS đối với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Khi đó, nghĩa vụ duy nhất mà ông phải thực hiện là công bố sau 7 ngày thực hiện giao dịch với vai trò là cổ đông lớn sở hữu trên 5% cổ phần doanh nghiệp theo Thông tư 155/2015-TT-BTC.

Nhiều nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua vào đối với cổ phiếu ROS phiên ngày 10/4/2020 không khỏi cảm thấy “việt vị” sau khi báo cáo giao dịch được công bố. Với việc rời bỏ vị trí “thuyền trưởng” cũng như từ bỏ một lượng lớn cổ phiếu ROS, các cổ đông không khỏi băn khoăn về triển vọng tương lai của doanh nghiệp này.

Đến thương vụ sáp nhập “ngược”

Một trong những lý do khiến cổ phiếu ROS thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian vừa qua đến từ kế hoạch sáp nhập với CTCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (mã chứng khoán: GAB).

Việc ROS dự kiến là bên đi sáp còn GAB là bên nhận sáp nhập càng khiến thương vụ được chú ý hơn, với hình tượng “con voi chui vào miệng con kiến” mà nhiều thành viên thị trường đã ví von, khi xét đến vốn hóa của hai đơn vị.

Khoan bàn đến tính hợp lý của “game” M&A này, giới đầu tư hướng sự quan tâm và dõi mắt theo hành động của người được cho là nắm rõ nội tình hai doanh nghiệp hơn cả – đại gia Trịnh Văn Quyết.

Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường, đa số nhận định việc mua vào cổ phiếu ROS trong bối cảnh chênh lệch thị giá khủng khiếp giữa ROS và GAB sẽ nắm giữ nhiều lợi thế khi thương vụ sáp nhập xảy ra, bất chấp tỷ lệ quy đổi chưa được công bố.

Tuy nhiên, nhận định trên có phần lung lay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bán ra một lượng lớn cổ phiếu, bất chấp HĐQT GAB đặt mục tiêu tăng 30% lợi nhuận trong năm 2020, trái ngược với ROS đặt mục tiêu giảm 70% lãi.

Với hai vai – Chủ tịch HĐQT ROS (mới từ nhiệm) và cổ đông lớn của GAB – ông Quyết nắm rõ vị thế của hai doanh nghiệp trước sáp nhập (cũng như bản chất thực sự của thương vụ sáp nhập).

Động thái “xả hàng” lượng lớn của ông Quyết hẳn sẽ không khỏi khiến cho các cổ đông khác của ROS phải cân nhắc về vị thế nắm giữ của mình. Liệu chăng nắm giữ ROS lúc này là bất lợi (!?)

Trong hơn 3 năm giao dịch trên Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), cổ phiếu ROS từng lên đến đỉnh giá 178.100 đồng/cổ phiếu (giá sau điều chỉnh) vào tháng 11/2017.

Từ đầu năm đến nay, thị giá ROS giảm 75%, ở vùng 16.000 đồng xuống còn 4.000 đồng. Cổ phiếu này vẫn giữ biên độ dao động giá lớn, thường tăng trần hoặc giảm sàn mỗi phiên cùng thanh khoản đến vài chục triệu cổ phiếu.

Động thái “xả hàng” lượng lớn của ông Quyết hẳn sẽ không khỏi khiến cho các cổ đông khác của ROS phải cân nhắc về vị thế nắm giữ của mình (ảnh minh họa)

Nhà đầu tư có còn tin tưởng vào “lời hứa” của ông Trịnh Văn Quyết để rồi lại bị… “thất hứa”?

Xoay quanh những giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết vẫn thường xuất hiện những thay đổi trong quá trình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” FLC. Dù các doanh nghiệp này hoạt động độc lập nhưng đều do ông Quyết cầm trịch thông qua việc sở hữu lượng lớn cổ phiếu.

Một trong những lý do khiến cổ phiếu ROS thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong thời gian vừa qua đến từ kế hoạch sáp nhập với Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (GAB). Khi GAB là bên nhận sáp nhập thì đây được đánh giá là một cuộc sáp nhập ngược nếu xét vốn hóa của 2 bên.

Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường, đa số nhận định việc mua vào cổ phiếu ROS trong bối cảnh chênh lệch thị giá khủng khiếp giữa ROS và GAB sẽ nắm giữ nhiều lợi thế khi thương vụ sáp nhập xảy ra, bất chấp tỷ lệ quy đổi chưa được công bố.

Tuy nhiên, nhận định trên có phần lung lay sau khi ông Trịnh Văn Quyết bán ra một lượng lớn cổ phiếu, bất chấp HĐQT GAB đặt mục tiêu tăng 30% lợi nhuận trong năm 2020, trái ngược với ROS đặt mục tiêu giảm 70% lãi. Điều làm cho thương vụ này đáng chú ý hơn nữa là khi ông Quyết rời bỏ vị trí lãnh đạo ROS ngay sau khi phương án sáp nhập được thông qua.

Động thái “xả hàng” lượng lớn của ông Quyết hẳn sẽ không khỏi khiến cho các cổ đông khác của ROS phải cân nhắc về vị thế nắm giữ của mình.

Hơn nữa, cách đây không lâu, ông Quyết cũng đã nâng sở hữu tại GAB từ 0% lên mức 7,97% và trở thành cổ đông lớn tại đây cũng là điều khiến nhiều nhà đầu tư chú ý. Những động thái trùng khớp với cách ông Quyết làm với ROS trước đây làm dấy lên nhiều câu hỏi. Liệu rằng sắp tới đây, ông Quyết có nắm giữ một vị trí mới trong HĐQT GAB và đưa doanh nghiệp này trở thành trung tâm của cuộc cơ cấu lại toàn diện các doanh nghiệp “họ” FLC? Hay liệu rằng GAB có phải là lời giải của kỳ vọng thị giá “ba chữ số” dành cho tất cả các cổ phiếu ROS, Bamboo Airways và FLCHomes?

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GAB đã tăng trên 790% kể từ đầu năm 2020. Những bước tăng giá của GAB làm sống dậy hình ảnh của những ROS giai đoạn từ tháng 9-2016 đến 4-2017, FLC giai đoạn 11-2011 đến 3-2012. Và những gì diễn ra sau đó đã là lịch sử khi các mã này từ mức giá hàng trăm ngàn rơi về dưới mệnh giá.

Trong top những tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết là người có nhiều “lời hứa” về giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Trong mỗi lần gặp gỡ nhà đầu tư những lời hứa hẹn về giá cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu thậm chí còn lấy sự “sống còn” của doanh nghiệp ra cam kết. Tuy nhiên cứ mỗi chu kỳ tài chính qua đi những lời hứa này ông Quyết không những không thực hiện được mà còn nhiều lần hành động ngược với những gì đã tuyên bố.

“Thuyền trưởng” của Tập đoàn FLC là một doanh nhân được cho là thành đạt khi tuổi đời còn khá trẻ, nhưng cũng là người có nhiều dư luận trái chiều về ứng xử trong kinh doanh. Cứ sau mỗi lần ông Quyết thực hiện giao dịch nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu liên quan đến ông lại đứng ngồi không yên.

T.Hà (TH)/Sở hữu Trí tuệ