Ngành bia bị ‘bóp nghẹt’ khi đứng trước khủng hoảng kép

Bóp nghẹt giữa hai gọng kìm Nghị định 100 và virus corona

Bộ Công Thương cho biết, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong nước cũng như các biện pháp phòng dịch của Chính phủ và các địa phương, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đã sụt giảm.

Theo đó, việc bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người để ăn uống, mua sắm đã trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các mặt hàng đồ uống như: bia, rượu, nước giải khát; và sản phẩm thuốc lá…

Bên cạnh đó, tâm lý tiết kiệm chi tiêu do thu nhập sụt giảm, nhiều người tạm thời nghỉ việc cũng như tâm lý e ngại dịch bệnh còn có khả năng kéo dài của phần lớn người tiêu dùng cũng khiến thị trường kém sôi động hơn

Ngoài ra, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1-1-2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống.

Sản xuất bia sụt giảm mạnh chưa từng có

Theo báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công Thương về sản xuất, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% so với tháng 3 và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm đầu tiên trong cả giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế ghi nhận có sự sụt giảm sản xuất trong tháng 4. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo vẫn tăng 3%, bên cạnh một số ngành công nghiệp chủ lực sụt giảm mạnh như sản xuất bia giảm 24,1%; ôtô giảm 23,8%; xe máy giảm 16,6%…

Về phía Bộ Công Thương, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng trong việc thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, bộ này cũng đã chủ động có giải pháp liên tục tháo gỡ khó khăn cho DN, địa phương. Ví dụ, đặt ưu tiên cao nhất cho mục tiêu chống dịch nhưng cũng cần có các giải pháp bảo đảm xuất khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; mở hướng DN trong nước chuyển sang tập trung sản xuất khẩu trang vải chống dịch để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch trong nước, duy trì năng lực sản xuất và tiến tới xuất khẩu; làm việc trực tiếp tại các địa phương, DN, hiệp hội để nắm được thực tiễn của DN và các địa phương…

“Những nỗ lực không đơn thuần vì các mục tiêu tăng trưởng mà còn hướng tới việc đem lại những giá trị mới, chất lượng mới cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, của những chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia” – Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Hai đại gia ngành bia lỗ nặng

Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán: BHN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với khoản lỗ kỷ lục gần 100 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco (“ông lớn” sở hữu các thương hiệu bia Hà Nội và Trúc Bạch) chỉ đạt 770 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận gộp giảm hơn 55%, về mức 148 tỷ đồng.

Trong khi nguồn thu giảm mạnh thì chi phí vận hành biến động không đáng kể. Cụ thể, chi phí bán hàng là gần 185 tỷ đồng, giảm 3%; chi phí quản lý doanh nghiệp gần 81 tỷ đồng, tăng 4%.

Kết quả là Habeco báo lỗ trước thuế tới 96 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 lãi gần 98 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của Habeco trong 3 tháng đầu năm 2020 là hơn 98 tỷ đồng, trong khi quí I/2019 lãi 64 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Habeco công bố mức lỗ trước thuế trăm tỷ đồng.Ảnh hưởng từ việc thua lỗ cộng với việc tăng hàng tồn kho khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ của Habeco âm hơn 1.000 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ 2019, chỉ tiêu này của Habeco chỉ âm 430 tỷ). Theo đó, lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ của Habeco giảm từ mức 1.300 tỷ hồi đầu năm xuống chỉ còn gần 430 tỷ vào cuối tháng 3.

Đến cuối tháng 3, tổng tài sản hợp nhất của “ông lớn” ngành bia miền Bắc này giảm 12%, về gần 6.830 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 1.700 tỷ đồng, giảm gần 850 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong khi đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp này tăng 17,5%, lên 751 tỷ đồng, chủ yếu do tăng thành phẩm, hàng hóa.

Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020, ghi nhận doanh thu giảm sút.

Theo đó, 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của Sabeco chỉ đạt gần 4.910 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu theo quý thấp nhất của Sabeco từ năm 2016 đến nay.

Lợi nhuận gộp của Sabeco trong quý I/2020 khoảng 1.350 tỷ đồng, giảm 38%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 23,5% lên 27,6%.

Doanh thu tài chính trong quý I/2020 của Sabeco là gần 270 tỷ đồng, tăng 56%. Trong khi đó, hoạt động liên doanh, liên kết giảm 46% lợi nhuận xuống 41 tỷ đồng, giảm 46%.

Do nguồn thu giảm mạnh nên Sabeco chủ động cắt giảm nhiều chi phí, như chi phí bán hàng giảm 19% xuống 560 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 15% xuống 141 tỷ đồng. Chi phí tài chính chỉ 20 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của Sabeco trong quý I/2020 đạt 945 tỷ đồng, giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ sabeco đạt 700 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ