Nguyên nhân vì đâu doanh nghiệp cao su đứng vững trong bão covid

Lo ngại hoạt động sản xuất, xuất khẩu đình trệ bởi dịch Covid-19

Dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp khi chia sẻ gần đây của lãnh đạo nhiều hãng sản xuất ô tô cho biết, các hãng gặp phải vấn đề thiếu hụt linh kiện, phụ tùng và có thể phải tạm ngưng sản xuất.

Sự đình trệ này tất yếu sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ lốp sụt giảm, đối tác có thể giãn nhận hàng với hợp đồng đã ký và tạm ngừng ký kết các hợp đồng mới.

Các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, xuất khẩu, qua đó ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận

Hưởng lợi giá nguyên liệu đầu vào giảm

Với các doanh nghiệp sản xuất săm, lốp, nguyên vật liệu chính cấu thành nên sản phẩm là cao su tự nhiên, cao su tổng hợp, than đen, hóa chất, bố thép, vải mành…Giá cao su tự nhiên kỳ hạn trên thị trường Tokyo đã ghi nhận mức thấp kỷ lục 130 JPY/kg vào đầu tháng 4 do lo ngại sự tăng trưởng chậm chạm của nhu cầu ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, trước ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Mặt khác, giá dầu cũng trong xu hướng giảm trước ảnh hưởng của dịch bệnh và cuộc chiến giá dầu giữa Nga với Arab Saudi. Giá dầu Brent lao dốc mạnh từ đầu tháng 2 và đạt mức thấp nhất trong vòng 4 năm (15,9 USD/thùng tại thời điểm 31/3).

Theo Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI (SSI Research), xu hướng giảm giá dầu gây áp lực giảm giá đối với các nguyên liệu thô khác của doanh nghiệp săm lốp như cao su tổng hợp, than đen và hóa chất.

Đồng thơi việc dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc phần nào có lợi cho các doanh nghiệp săm lốp tại thị trường nội địa, bởi các nhà máy sản xuất lốp nước này bị đình trệ hoạt động, xuất nhập khẩu gặp khó khăn.

Ðiều này giúp giảm áp lực cạnh tranh khi săm lốp Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn do có giá bán thấp hơn.

Rõ ràng, dưới tác động của dịch bệnh, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp săm lốp trong ngắn hạn được dự báo sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ phần nào được giảm bớt từ việc giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm và áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa giảm.

Thậm chí, khó khăn có thể được biến thành cơ hội nếu các doanh nghiệp tăng cường tích lũy nguyên vật liệu giá rẻ, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, làm tốt công tác khách hàng và sẵn sàng cho việc đẩy mạnh sản xuất trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và giao thương thuận lợi.

Về dài hạn, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, tăng thêm khả năng tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu vào thị trường EU khi thuế nhập khẩu đối với sản phẩm săm lốp ô tô giảm.

Cao su Đà Nẵng (DRC) báo lãi quý 1/2020 tăng 123% so với cùng kỳ

CTCP Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC) công bố BCTC quý 1/2020 với doanh thu giảm 2,4% so với cùng kỳ, đạt 803 tỷ đồng. Doanh thu của Cao su Đà Nẵng phần lớn đến từ sản xuất săm, lốp xe các loại, chiếm khoảng 99% tổng doanh thu.

Doanh thu giảm, tuy nhiên chi phí giá vốn lại giảm sâu hơn, đến 7,9% do giá nguyên, vật liệu giảm mạnh. Điều này dẫn đến lợi nhuận gộp thu về tăng 47,6% so với cùng kỳ, đạt hơn 118 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 15%.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý trong quý đều tăng so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng chi phí nhân công và chi phí bán hàng khác.

Kết quả, quý 1 Cao cu Đà Nẵng báo lãi trước thuế 46,8 tỷ đồng, thực hiện được 96% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 37,44 tỷ đồng, tăng trưởng 122,6% so với lợi nhuận đạt được quý 1 năm ngoái.

Cao su Đà Nẵng cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh quý 2/2020 với tổng doanh thu dự kiến giảm 21% so với cùng kỳ, rơi vào khoảng 652 tỷ đồng còn kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 19%, đạt 37,7 tỷ đồng.

Casumina báo lãi sau thuế tăng mạnh trong quý I

Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, HOSE – Mã chứng khoán: CSM) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2020

Theo đó, doanh thu thuần Casumina trong kỳ tăng 17,4% lên 944,3 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp tăng trưởng tới 43,5% lên 146,2 tỉ đồng; biên lợi nhuận gộp tăng từ 12% lên 15,5%.

Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp tăng lần lượt 11,3% lên 46,4 tỉ đồng và 39,1% lên 42,3 tỉ đồng. Chi phí tài chính tăng từ 36 tỉ đồng lên 44 tỉ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Lợi nhuận từ hoạt động khác tăng gần gấp đôi lên hơn 2 tỉ đồng.

Kết quả, quý 1/2020 Casumina ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 15,9 tỉ đồng và 12,7 tỉ đồng, cùng cao gấp 6,4 lần so với cùng kì năm ngoái.

Năm 2020, Casumina kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ EVFTA đã được kí kết, dự kiến có hiệu lực vào 7/2020 sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm săm lốp. Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng cùng sự phát triển của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là cơ hội tốt để các doanh nghiệp sản xuất săm lốp xe tăng trưởng. Trong khi, giá dầu lao dốc giúp các doanh nghiệp trong ngành tận dụng được lợi thế nguyên liệu giá rẻ.

Cụ thể, Casumina đặt mục tiêu 2020 với tổng doanh thu tăng 14% lên 4.992 tỉ đồng, trong đó hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng 38%. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 150 tỉ đồng, cao gấp 2,4 lần kết quả thực hiện năm 2019.

Như vậy, kết thúc quý 1/2020 Casumina thực hiện được 18,9% kế hoạch doanh thu và 10,6% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trên thị trường chứng khoán, sau thông tin lợi nhuận tăng đột biến, cổ phiếu CSM tăng kịch trần trong phiên giao dịch ngày 23/4. Hiện tại cổ phiếu này tiếp tục tăng lên mức 17.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa đạt 1.762 tỉ đồng.

Sẽ có ảnh hưởng đến nhu cầu trong quý 2/2020

Mặc dù vậy, bước sang quý 2, dịch bệnh Covid-19 đã bùng phát mạnh mẽ tại Mỹ và châu Âu, khiến hoạt động sản xuất đình trệ và gián đoạn nguồn cung. Các vấn đề thiếu hụt linh kiện, phụ tùng và thậm chí phải tạm ngưng sản xuất đối với các doanh nghiệp sản xuất ô tô có thể xảy ra tại các thị trường này, khiến nhu cầu tiêu thụ săm lốp giảm.

Mặt khác, các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại nhằm kiềm chế bùng phát của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng đến KQKD của hầu hết các doanh nghiệp sản xuất săm lốp có hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ