Những dự án đầy tai tiếng của Tân Hoàng Minh: Lời nói khác hành động thực tế!

Sai phạm ở dự án nghìn tỷ, thế chấp ở ngân hàng

Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội (tên thương mại là D’. Palais Louis) của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) tọa lạc tại số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội chính thức khởi công vào năm 2009.

Dự án D’.Palais de Louis cao 32 tầng với các căn hộ có diện tích 153-203 m2 từng tốn không ít giấy mực của báo chí bởi khi đó mức giá bán lên tới 145 triệu đồng mỗi m2, người mua phải bỏ ra 13-27 tỷ đồng (1,3 triệu USD) để sở hữu căn hộ. Thậm chí, khách mua các căn penthouse tại đây phải trả vài chục tỷ đồng đến 100 tỷ đồng.

Với tổng mức đầu tư được giới thiệu khoảng 4.000 tỷ đồng, do Công ty Katsuki Archidesign Inc của Nhật Bản lấy ý tưởng từ cung điện Versailles dự án được kỳ vọng rất nhiều từ giới đại gia. Tuy nhiên, dự án lại bị chậm tiến độ khá lâu so với ban đầu chủ đầu tư tuyên bố và liên tục phải giãn tiến độ khiến năm 2014, Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền đặt cọc cho khoảng 60 nhà đầu tư do tiến độ không như cam kết. Đến khoảng năm 2016 mới tiến hành mở bán trở lại và được cho là sau cái bắt tay với Tập đoàn Vingroup.

Đáng nói, dù những căn hộ tại dự án dát vàng D’. Palais Louis của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có giá vài chục tỷ đồng nhưng có lẽ ít ai biết dự án này từng dính hàng loạt sai phạm trong quá trình xây dựng. Theo đó, vào cuối tháng 6/2017, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án này.

Cụ thể, về công tác quản lý chất lượng công trình, một số cá nhân chưa đủ điều kiện năng lực hành nghề xây dựng, kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng; một số gói thầu thi công, biên bản nghiệm thu công việc căn cứ tiêu chuẩn xây dựng đã hết hiệu lực; thiếu một số kết quả thí nghiệm theo quy định hoặc phiếu kết quả thí nghiệm lập không đúng theo quy định; hồ sơ quản lý chất lượng không có biên bản nghiệm thu thiết bị thi công, biên bản kiểm tra phòng thí nghiệm; không có giấy kiểm định thiết bị phục vụ thi công; 8 nhà thầu thi công không mua bảo hiểm theo cam kết hợp đồng…

Về nghiệm thu và thanh toán khối lượng, gói thầu thiết kế, quản lý dự án và giám sát thi công do Công ty TNHH tư vấn xây dựng Meinhardt (Việt Nam) thực hiện dở dang hợp đồng, nhà thầu không thực hiện công tác quản lý dự án và giám sát thi công công trình, nên giảm giá trị hợp đồng là 910.000 USD trước khi quyết toán.

Với các vi phạm trong hoạt động xây dựng tại dự án D’. Palais De Louis – Nguyễn Văn Huyên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư và các nhà thầu tại dự án theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Cuối tháng 6/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thông báo danh sách chủ đầu tư đã thế chấp bằng Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Cụ thể, ngày 21/6/2019, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội đã thực hiện đăng ký thế chấp Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phía Đông hồ Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, thế chấp theo hình thức tài sản gắn liền với đất tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội chi nhánh Vĩnh Phúc.

Dự án D’. Le Pont D’or 36 Hoàng Cầu (Hà Nội) của tập đoàn này cũng dính nhiều bê bối. Dự án này từng bị phát hiện có những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình xây dựng. Cụ thể, dự án này đã xây dựng sai phép so với quy hoạch được duyệt, khi chủ đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh tự ý xây thêm tầng lửng ngoài thiết kế được phê duyệt với diện tích gần 2.000 m2.

Tại thông cáo báo chí gửi đến các phương tiện thông tin đại chúng thời điểm đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh thừa nhận, tại Dự án CT 1 Hoàng Cầu, doanh nghiệp đã tổ chức xây dựng thêm phần sàn với diện tích 1.759,7 m2 trong tầng 1. Phần diện tích xây thêm này chiếm tới 70% diện tích sàn tầng 1 và vượt quá quy định cho phép xây dựng tầng lửng không vượt quá 30% diện tích tầng 1 theo quy định.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh đang khiến nhiều khách hàng thất vọng với các dự án nhiều sai phạm

Còn tạ dự án D’. Le Roi Soleil – Quảng An. ự án D’. Le Roi Soleil – Quảng An (ngã ba đường Xuân Diệu, Đặng Thai Mai – quận Tây Hồ) khi nghiệm thu, thanh toán đã tính sai khối lượng thi công. Ngoài ra, công trình cũng có sự sai khác giữa biện pháp thi công trong đề xuất kỹ thuật với “đề xuất tài chính dẫn đến việc thanh toán chưa đúng khối lượng thực tế thi công, giảm hơn 14 tỷ đồng.

Cũng tại dự án này chủ đầu tư đã thẩm định công tác thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình chưa đúng mẫu theo quy định trước khi phê duyệt.

Lời nói và việc làm không đi đôi với nhau

Những năm đầu, Tập đoàn Tân Hoàng Minh hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, các ngành có thế mạnh nhất là sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, vận tải hành khách bằng taxi thương hiệu Taxi V20, kinh doanh khách sạn, kinh doanh phát triển nhà, xây dựng…

Bắt đầu từ năm 2006, nắm bắt được xu thế và sự phát triển của thị trường, với tầm nhìn chiến lược của người làm kinh doanh dày dạn kinh nghiệm, ông Đỗ Anh Dũng đã quyết định bẻ lái con thuyền Tân Hoàng Minh sang một hướng đi mới, đó là tập trung vào phát triển bất động sản, trong đó bất động sản cao cấp là mục tiêu chính của Tập đoàn.

Trả lời báo chí, ông Dũng từng khẳng định: Song song với những dự án để đời, ghi dấu trong kiến trúc Hà Nội với số lượng sản phẩm mang dấu ấn riêng của Tân Hoàng Minh, tôi đã quyết định thay đổi để tạo bước tiến mới. Vẫn là những công trình chất lượng, đẳng cấp nhưng không chỉ giới thượng lưu mới có thể chạm tới, giờ đây sản phẩm của Tân Hoàng Minh sẽ dành cho mọi đối tượng khách hàng – những ai mong muốn được sở hữu một công trình cao cấp, chất lượng và giá thành hợp lý”.

Ông cho biết, cùng với phân khúc mới, Tân Hoàng Minh hướng tới triết lý kinh doanh mới: Tiến độ, Hiệu quả, Bền vững, Đam mê, Hoàn hảo.

Tuy nhiên với những dự án đầy tai tiếng, sai phạm của mình, ông Dũng – Chủ tịch Tân Hoàng Minh đang khiến nhiều người và chính khách hàng của mình thất vọng! (Còn nữa)

Lê An (TH)/Sở hữu trí tuệ