Quốc Cường Gia Lai báo lãi ‘khủng’ khi rút chân khỏi dự án ngủ đông

CTCP Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 1/2020 với lãi ròng đạt gần 30 tỷ đồng, gấp 5.6 lần cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần của QCG giảm 78% so với cùng kỳ, chỉ còn 81 tỷ đồng, ghi nhận mức thấp nhất trong gần 5 năm trở lại đây, kể từ quý 2/2015.

Lợi nhuận của QCG tăng tới 514% mặc dù trong quý này doanh nghiệp chỉ ghi nhận 81,3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 78% so với cùng kỳ năm trước và cũng là mức doanh thu thấp nhất theo quý kể từ quý II/2015.

Theo lý giải của QCG, việc doanh thu trong kỳ sụt giảm do doanh nghiệp cắt giảm kinh doanh hàng hóa, chỉ tập trung vào thủy điện, cao su và bất động sản. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, tất cả các khoản mục doanh thu đến từ các lĩnh vực này của QCG đều sụt giảm.

Doanh thu bất động sản vẫn là trụ cột của QCG với 62,5 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ. Bán hàng hóa chỉ mang về cho QCG của gia đình Cường Đô la 966 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 57 tỷ đồng; Doanh thu bán điện giảm ít nhất với 25%, mang về gần 18 tỷ đồng trong quý vừa qua.

Đáng chú ý nhất, doanh thu hoạt động tài chính kỳ này gấp 24 lần, lên 36 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ chuyển nhượng vốn góp chiếm đến 91% (33 tỷ đồng), trong khi cùng kỳ không ghi nhận khoản mục này.

BCTC hợp nhất quý 1/2020 của QCG.

Nhiều khả năng, khoản lãi từ chuyển nhượng vốn góp là đến từ việc QCG bán bớt vốn tại CTCP Bất động sản Hiệp Phúc. Cụ thể, tỷ lệ sở hữu QCG tại Hiệp Phúc giảm từ 90% xuống còn 34%, tương ứng giá trị đầu tư còn 236.8 tỷ đồng. Thời điểm đầu năm 2020, giá gốc đầu tư QCG tại Hiệp Phúc là 626.8 tỷ đồng.

Công ty Hiệp Phúc thành lập năm 2008, tiền thân là CTCP Quốc tế An Vui. Công ty An Vui liên doanh với CTCP ANI để thực hiện dự án Sông Đà Riverside tại số 623, quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM. Dự án có quy mô 2,3 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 977 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự án Sông Đà Riverside rơi vào cảnh “ngủ đông” suốt gần một thập niên khi không thể triển khai. Đến 2017, Công ty ANI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho đối tác An Vui với giá trị 280 tỷ đồng. Trong năm này, Quốc Cường Gia Lai mua lại công ty An Vui, đổi tên thành Hiệp Phúc.

Chính khoản lãi đột biến từ hoạt động chuyển nhượng vốn này mà kết thúc quý 1, QCG báo lãi ròng gấp 5.6 lần, lên gần 30 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2020, tổng tài sản của QCG đạt 11.407 tỷ đồng. Trong đó các khoản tiền trong kỳ sụt giảm một nửa so với cùng kỳ. Ngược lại, các khoản phải thu tăng nhanh từ 437 tỷ đồng lên 809 tỷ đồng. Trong đó, phải thu bên liên quan hơn 112 tỷ đồng và trả trước cho người bán (ứng tiền thi công) gần 44 tỷ đồng.

Nợ phải trả của QCG vẫn ở mức cao “bền vững” với 7.152 tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần vốn chủ sở hữu. Đầu năm, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 7.126 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3, hàng tồn kho ghi nhận hơn 8.000 tỷ đồng, giảm 5% so đầu năm. Trong đó, bất động sản dở dang chiếm gần 7.600 tỷ đồng chủ yếu là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án.

Trong quý đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của QCG âm hơn 156 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước ở mức hơn 174 tỷ đồng). Khoản tiền và tương đương tiền cuối kỳ cũng ghi nhận giảm 85%, xuống chỉ còn 8 tỷ đồng.

Trên thị trường, giá cổ phiếu QCG bật tăng mạnh từ hồi đầu tháng 3/2020 và tạo đỉnh tại mức giá 10,200 đồng/cp (18/03), sau đó lao dốc xuống chỉ còn 5,340 đồng/cp (31/03). Đến ngày hôm nay 6/5, giá cổ phiếu QCG giao dịch ở mức 7.810 đồng/cp, tăng 34% giá trị so với đầu tháng.

Mặc dù là doanh nghiệp có tiếng ở Sài Gòn, tuy nhiên kết quả kinh doanh mấy năm gần đây của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) liên tục đi xuống từ cuối tháng 6/2017 tới nay, điều này cũng được phản ảnh vào giá chứng khoán khi cổ phiếu QCG giảm từ gần 30.000 đồng/cp xuống chỉ còn vài ngàn đồng/cp. Tuy nhiên gần đây, tính trong 1 quý qua, cổ phiếu của “đại gia phố núi” đã có khởi sắc tăng đến 120%.

Giá chứng khoán cổ phiếu QCG giảm từ gần 30.000 đồng/cp (thời điểm giữa năm 2017) xuống chỉ còn vài ngàn đồng/cp.

Diễn biến tăng giá của cổ phiếu QCG có thể được đến từ việc các dự án bế tắc của Công ty có thể được tháo gỡ về pháp lý sau hội nghị giữa lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp bất động sản vào cuối tháng 2 rồi.

Trong số này có dự án Phước Kiển với quy mô 91 hecta. Bà Loan từng cho biết, đây là dự án quy mô lớn nhất của công ty, được chấp thuận đầu tư hạ tầng từ 2017 và đến nay sắp hết hạn. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp quay lại Sở Kế hoạch Đầu tư để làm các thủ tục chấp thuận đầu tư.

Do vậy, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự chuyển mình của QCG trong năm 2020 nên khiến thị giá QCG lạc quan hơn.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ