Thái Sơn E&C khai thác cát ‘tận kiệt’ trái phép trên sông Lô sẽ bị xử lý ra sao?

Người dân gánh chịu hậu quả nặng nề

Vừa qua, thông tin người dân phản ánh về việc ở khu 3 Tử Đà thuộc xã Bình Phú (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) nhiều năm qua, các doanh nghiệp rầm rộ kéo nhau về đây tìm mọi cách để được khai thác cát trên sông Lô khiến cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân địa phương bị đảo lộn, luôn trong tình trạng lo lắng, bất an. Điển hình là hoạt động khai thác cát của Công ty CP Thái Sơn E&C – chi nhánh tại Phú Thọ.

Cô P.T.L (xin dấu tên) cho biết: “Tại Khu 3 Tử Đà, mỗi ngày, hàng trăm tàu hút cát, tàu vận chuyển của Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn E&C (Công ty Thái Sơn E&C) khai thác liên tục, việc vận chuyển tấp nập như đi chợ. Đêm đến, tàu hút cát về cũng đông, ánh đèn lấp lánh như hội chợ, tiếng máy nổ rít lên trong đêm khiến người dân mất ngủ liên tục, đất canh tác hai bên bờ sông Lô nhiều năm nay sạt lở nghiêm trọng, biến đất nông nghiệp của người dân hai xã Bình Phú và An Đạo thành bữa ăn ngon cho ruột sông Lô”.

Sạt lở đất nông nghiệp của người dân đang canh tác

“Việc khai thác diễn ra từ lâu nhưng người dân không thấy cơ quan chức năng vào thanh kiểm tra và xử lý dứt điểm những kiến nghị, mặc dù trước đó đã ý kiến lên tất cả các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND tỉnh Phú Thọ” – cô L cho biết thêm.

Cùng quan điểm, chú N.V.A (xin dấu tên) cho biết: “ Năm 2019, UBND tỉnh Phú Thọ cũng ra thông báo tạm dừng hoạt động, tước quyền khai thác khoáng sản vì khai thác ‘lậu’, vượt quá ranh giới cho phép. Công ty Thái Sơn E&C mới khai thác lại thời gian gần đây, hiện tượng sạt lở tiếp tục tái diến, vì vậy, người dân mong muốn UBDN tỉnh Phú Thọ chấm dứt giấy phép khai thác cát của công ty để người dân yên tâm canh tác nông nghiệp”.

Người dân kiến nghị Công ty Thái Sơn E&C khai thác cát khiến đất canh tác thâm canh hoa màu sạt lở, gây hậu quả nghiêm trọng, chính quyền địa phương ở đâu? Cơ quan nhà nước phục vụ dân hay bao che sai phạm cho doanh nghiệp hưởng lợi?

Được biết, năm 2017, UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác khoáng sản số 29/GP-UBND cho Công ty Thái Sơn E&C với diện tích 27,54 ha trên sông Lô thuộc xã Tử Đà, tháng 10/2020 là hết hạn.

Khai thác được thời gian ngắn, năm 2019, Công ty Thái Sơn E&C bị phạt 100 triệu đồng và tước quyền khai thác khoáng sản 4 tháng với nội dung: “Nguyên nhân là do Công ty Thái Sơn E&C, chi nhánh tại Phú Thọ đã khai thác cát sỏi vượt quá phạm vi ranh giới, độ sâu được phép khai thác theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 36, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản”.

Không chỉ có một doanh nghiệp gây hậu quảPhóng viên đem khúc mắc của người dân trao đổi với ông Hoàng Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND xã An Đạo và nhận được câu trả lời: “Trên sông Lô đoạn chảy qua địa bàn xã có Cty TNHH Gia Thịnh (Công ty Gia Thịnh) được UBDN tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản (cát). Ngay từ ngày đầu tỉnh cấp phép cho cong ty khai thác cát thì tôi và toàn bộ người dân địa phương phản đối, thế nhưng, vì tỉnh cấp phép nên đành chịu”.

“Tuyến đê Tây Sơn vỡ ra thì xã An Đạo và nửa tỉnh Phú Thọ bị ảnh hưởng. Trước khi cấp phép quan điểm của chúng tôi là không đồng ý nhưng tỉnh cấp phép nên chúng tôi phải chấp hành thôi…nguyện vọng bây giờ của xã và toàn bộ người dân là dừng khai thác cát với Công ty Gia Thịnh để dân đỡ khổ, xã đỡ đau đầu” – ông Hồng chia sẻ.

Cần tước ngay giấy phép khai thác khoáng sản nếu hoạt động vi phạm
Theo ghi nhận thực tế, ngày 17/3/2020 cho thấy, hầu hết các tàu thuyền đang khai thác ở khu vực xã Bình Phú (huyện Phù Ninh) đều không có biển số, nhãn hiệu. Thế nhưng không hiểu vì sao những chiếc thuyền, sà lan hút vẫn hoạt động hút cát trên sông Lô một cách rầm rộ. Trong khi đó, các mốc giới cho phép Công ty CP Thái Sơn E&C – chi nhánh Phú Thọ, khai thác cũng không được phân định rõ ràng.
Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường trao đổi với Tạp chí điện tử Kiến thức cho hay, tại Điều 36 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã nêu rất rõ: Đối với hành vi không thực hiện cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản thì sẽ bị phạt cảnh cáo đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giấy phép khai thác khoáng sản do UBND cấp tỉnh cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Đối với hành vi khai thác khoáng sản có tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác thì tùy vào diện tích vượt theo bề mặt và độ sâu mà có mức xử phạt tương ứng, mức phạt cao nhất có thể đến 1.000.000.000 đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản đã khai thác trong diện tích vượt ra ngoài phạm vi của khu vực được phép khai thác đối với một số trường hợp vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 24 tháng tùy trường hợp vi phạm.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.
Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông còn phải khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình khác có liên quan do hành vi vi phạm gây ra và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trên sông Lô vi phạm lĩnh vực khoáng sản thì cần phải tước ngay quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác từ 11-12 tháng. Điều này nêu trong Nghị định 33/2017/NĐ-CP.
Hình thức xử phạt bổ sung có thể tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 12 tháng.
“Ngoài ra theo quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, thì pháp nhân thương mại vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà gây sự cố môi trường thì có thể thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm”, – luật sư Cường thông tin.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ