Tổng Công ty Sông Hồng đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng

Nguy cơ mất trăm tỷ góp vốn

Theo báo cáo tài chính đã soát xét bán niên năm 2021, Tổng Công ty Sông Hồng (UpCOM: SHG) có 7 khoản đầu tư vào công ty con, 13 khoản đầu tư vào các công ty liên kết và 7 khoản đầu tư vào các công ty khác. Trong 27 khoản đầu tư có giá trị đầu tư gốc 284 tỷ đồng, Tổng Công ty Sông Hồng đang phải trích lập dự phòng lên đến 219 tỷ đồng (tương đương 77% giá trị đầu tư).

Với các khoản đầu tư vào công ty con, doanh nghiệp này trích lập dự phòng tỉ lệ 100% đối với Công ty TNHH MTV Sông Hồng An Dương (30 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Cơ giới và Xây dựng Sông Hồng (26,6 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Sông Hồng Đà Nẵng (6,5 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Sông Hồng Thăng Long (2,8 tỷ đồng).

Các khoản trích lập dự phòng tỉ lệ 100% đối với các khoản đầu tư vào công ty liên kết gồm: Công ty Cổ phần Thép Sông Hồng (102 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Sông Hồng 36 (9,8 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Sông Hồng (5,3 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Sông Hồng Sài Gòn (5 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Sông Hồng 8 (4 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần Sông Hồng Bình Tây (1,7 tỷ đồng).

Đối với trường hợp của Thép Sông Hồng, Tổng Công ty Sông Hồng từng giữ cổ phần chi phối 85% vào năm 2008. Đến năm 2013, tổng công ty quyết định tái cơ cấu Thép Sông Hồng theo hướng tăng vốn và giảm tỉ lệ sở hữu. Trong đó, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên 350 tỷ (lần 1) và 450 tỷ đồng (lần 2), tỉ lệ sở hữu của Sông Hồng dự kiến giảm xuống tương ứng còn 29,14% và 22,67%.

Hồ sơ doanh nghiệp - Tổng Công ty Sông Hồng đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm tỷ đồng

Tổng Công ty Sông Hồng có nguy cơ mất trắng 102 tỷ đồng khi đầu tư vào Thép Sông Hồng – doanh nghiệp sắp giải thể.

Đến cuối năm 2015, Tổng Công ty Sông Hồng cho biết Thép Sông Hồng đã tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ lên 310 tỷ đồng, qua đó, giảm tỉ lệ sở hữu của tổng công ty xuống 32,9%.

Dù liên tục được đầu tư và tái cơ cấu, nhưng hoạt động kinh doanh của Thép Sông Hồng lại luôn trong tình trạng bết bát.

Theo đó, những trong năm đầu tiên đi vào hoạt động (năm 2009), nhà sản xuất thép này ghi nhận 724 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng. Năm 2010, doanh thu công ty tăng mạnh lên mức 1.439 tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế lại báo số âm kỷ lục 132,5 tỷ đồng.

Suốt những năm sau đó, Thép Sông Hồng thường xuyên thua lỗ, vốn chủ sở hữu xuống mức âm. Thậm chí, tháng 10/2011, những sai phạm kinh tế ở Thép Sông Hồng còn bị phát hiện, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp sau đó đã bị khởi tố.

Hiện Thép Sông Hồng đang làm các thủ tục để giải thể. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng Công ty Sông Hồng có nguy cơ mất trắng 102 tỷ đồng vốn góp tại đây.

Lao dốc sau quá trình cổ phần hóa

Về phía Tổng Công ty Sông Hồng – đây cũng là doanh nghiệp lao dốc về mọi mặt sau quá trình cổ phần hóa nhiều năm. Từ doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tổng công ty này hiện trở thành doanh nghiệp đa ngành với hoạt động kinh doanh lao dốc, hàng loạt khoản đầu tư thua lỗ và các dự án bất động sản dở dang.

Theo đó, từ quy mô tài sản trên 3.000 tỷ đồng, doanh thu thuần gần 3.300 tỷ đồng trước năm 2011, tổng tài sản công ty đã giảm mạnh về mức hơn 1.000 tỷ và doanh thu chỉ còn vài chục tỷ đồng trong những năm gần đây.

Cùng với đó, tổng công ty cũng thua lỗ liên tục từ năm 2015 đến nay với số lỗ lũy kế đến tháng 6/2021 lên tới 1.056 tỷ đồng, cao gấp 4 lần vốn điều lệ.

Cũng tại báo cáo tài chính đã soát xét bán niên năm 2021, kiểm toán đã đưa ra một loạt cơ sở kết luận ngoại trừ đối với các công ty thuộc Tổng Công ty Sông Hồng.

Theo ý kiến của kiểm toán viên, Tổng Công ty Sông Hồng và các công ty con chưa có biên bản đối chiếu các khoản nợ phải trả tại thời điểm 30/6/2021 với số tiền lần lượt là 118,4 tỷ đồng và 356,3 tỷ đồng. Đồng thời, tại thời điểm lập báo cáo tài chính, tổng công ty chưa trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi.

Bên cạnh đó, do cách thức quản lý của các công ty con nên kiểm toán viên không thể tham gia soát xét hàng tồn kho tại ngày 30/6/2021 của các công ty con, với các thông tin đã được cung cấp và bằng các thủ tục thay thế đã thực hiện, kiểm toán vẫn không thể đánh giá tính hiện hữu, đầy đủ, giá trị cần dự phòng giảm giá của khoản mục hàng tồn kho với giá trị là 208,3 tỷ đồng.

“Do đó, chúng tôi không thể đưa ra kết luận về tính hiện hữu, đầy đủ, giá trị cần dự phòng giảm giá của khoản mục hàng tồn kho cũng như ảnh hưởng của chúng đối với các khoản mục khác trên Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ tại ngày 30/6/2021 của Tổng Công ty”, kiểm toán viên nêu rõ.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Sông Hồng cũng chưa thu thập được báo cáo tài chính cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2021 của công ty con là Công ty Cổ phần Sông Hồng Đà Nẵng (do công ty này đã dừng hoạt động và không có cán bộ quản lý và kế toán). Số liệu được sử dụng để lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của Sông Hồng là số liệu trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016.

Điều này dẫn đến việc kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng về số liệu tài sản (50,97 tỷ đồng), nợ phải trả (62,05 tỷ đồng), ốn chủ sở hữu (âm 11,07 tỷ đồng) và các khoản mục liên quan của Công ty Cổ phần Sông Hồng Đà Nẵng được trình bày trong báo cáo tài chính của Sông Hồng.

Ngoài ra, Tổng Công ty Sông Hồng chưa thu thập được báo cáo tài chính của 10 công ty liên kết, với giá trị đầu tư là 144,3 tỷ đồng và các công ty nhận đầu tư dài hạn khác với giá trị đầu tư là 8,2 tỷ đồng.

“Chúng tôi không thể đưa ra kết luận về giá trị của các khoản đầu tư tài chính nói trên cũng như ảnh hưởng của chúng đối với các khoản mục khác trên báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 30/6/2021 của Tổng Công ty”, kiểm toán viên nhấn mạnh.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 360 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”, những trường hợp như của Tổng Công ty Sông Hồng sẽ phải xử lý dứt điểm.

Trong quyết định này nêu rõ, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Đề án nêu trong giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu nộp ngân sách nhà nước tối thiểu 248.000 tỷ đồng từ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước