Vì đâu Đất Xanh Miền Bắc lãi ròng quý I giảm 78%?

DXG đạt lợi nhuận thấp nhất trong quý 1 kể từ năm 2014

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) kết thúc quý 1/2020 với doanh thu hợp nhất gần 602 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu môi giới vẫn đóng góp tỷ trọng cao nhất (69%); kế tiếp là doanh thu từ hợp đồng xây dựng,…

Giá vốn chiếm 238 tỷ nên lợi nhuận gộp trong quý 1 chỉ còn 364 tỷ đồng, giảm 52% so cùng kỳ. Dù vậy thì biên lãi gộp tăng mạnh từ mức 47% của quý 1/2019 lên 60% của cùng kỳ.

Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính của Công ty tăng gấp đôi so cùng kỳ lên hơn 25 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính chỉ tăng nhẹ 4% lên 52 tỷ đồng.

Kỳ này, Công ty ghi nhận lãi liên doanh liên kết chỉ hơn 500 triệu đồng, trong khi cùng kỳ đến 34 tỷ đồng.

Doanh thu giảm mạnh cùng lãi liên doanh không nhiều khiến lãi ròng của Đất Xanh trong quý 1 giảm 77% so cùng kỳ, đạt mức 26 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong quý 1 mà Công ty ghi nhận kể từ năm 2014.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của Đất Xanh tăng 7% lên mức 21.255 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 67% lên 512 tỷ đồng.

Hàng tồn kho cũng tăng 46%, chiếm 8.552, tập trung chủ yếu ở các bất động sản dở dang từ các kỳ trước như Gemriverside, Opal Skyview, Tuyên Sơn, Opal City, Sunshine Resident… và phát sinh trong kỳ này là Opal Skyline, La maison và các dự án khác.

Về tình hình vay nợ, tại thời điểm cuối quý 1, Đất Xanh tăng nợ vay tài chính ngắn hạn 164 tỷ đồng, ghi nhận gần 1.228 tỷ đồng. Vay nợ tài chính dài hạn cũng tăng lên 31% con số 4.382 tỷ từ 3.337 tỷ đồng.

Âm dòng tiền kinh doanh do lượng hàng tồn kho lớn

Trong một quý, Đất Xanh tăng thêm 1.761 tỷ đồng hàng tồn kho, tương đương tăng 26%, đạt 8.552 tỷ đồng. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến việc Đất Xanh bị âm dòng tiền kinh doanh 1.484 tỷ đồng trong khi cuối năm ngoái dương 260 tỷ đồng.

Trong cơ cấu hàng tồn kho, các bất động sản đầu tư dở dang chiếm phần lớn. Hai dự án đáng chú ý có giá trị tồn kho cao là Gemriverside (Quận 2, TP HCM) và Khu dân cư Long Thành (Đồng Nai). Nếu như khoản tồn kho của Gemriverside đã tồn tại nhiều quý, không gia tăng nhiều về giá trị (khoảng 1.575 tỷ đồng) thì khu dân cư Long Thành đã gấp đôi tồn kho so với đầu kỳ, lên 3.211 tỷ đồng.

Đây là dự án công ty con Hà An đã chi 3.060 tỷ đồng mua 92 ha đất tại xã Long Đức, huyện Long Thành – gần sân bay Long Thành. Dự án gồm 54 ha đất ở, đất công trình giáo dục, đất công trình phục vụ đô thị và 38,2 ha đất cây xanh, đất giao thông hạ tầng kỹ thuật. Theo thông tin xây dựng khu đất, tầng cao xây dựng nhà ở riêng lẻ từ 2 – 4 tầng còn chung cư từ 5 – 6 tầng. Thời gian sử dụng đất trong 50 năm. Cuối tháng 3, dự án này đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ chi tiết 1/500, quy mô dân số từ 15.500 -18.500 người.

Vừa qua, Đất Xanh còn bảo lãnh cho Hà An phát hành trái phiếu không chuyển đổi có, tài sản đảm bảo với tổng giá trị không quá 1.600 tỷ đồng.

Về nợ vay tài chính, Đất Xanh tăng thêm 1.211 tỷ đồng trong kỳ, nâng tổng số nợ lên 5.610 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính dài hạn là chủ yếu, chiếm 78%.

Thị trường BĐS bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19

Thị trường BĐS đang đối diện với nhiều khó khăn thách thức khi hàng trăm dự án “đứng hình” suốt năm qua, dòng vốn tín dụng bị siết chặt, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến thị trường bị đảo lộn…

Ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc nhận định: “Thực sự thị trường BĐS đang rất khó khăn! Một là khó khăn của thị trường liên quan đến việc rà soát pháp lý dự án suốt năm qua, hai là thị trường bị đảo lộn bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Khiến cả 2 dòng tiền từ người mua nhà ở thực và nhà đầu tư đều giảm sút”.

“Người mua nhà thì bị tác động đến quyết định mua còn nhà đầu tư thì chịu tác động mạnh, nhất là nhà đầu tư BĐS du lịch do giảm sút niềm tin vào thị trường trong ngắn hạn”, ông Quyết cho biết thêm.

Cuối năm 2019 thị trường bắt đầu khó khăn, còn thị trường nghỉ dưỡng thì chịu cú sốc từ vụ phá vỡ hợp đồng cam kết lợi nhuận ở dự án Cocobay Đà Nẵng. Nhưng khi đó, nhiều nhà đầu tư vẫn còn lạc quan về tương lai sáng lạn của thị trường BĐS 2020 khi các khó khăn dần được tháo gỡ. Nhưng, từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn, thị trường bị tác động mạnh, thực tế thị trường BĐS nghỉ dưỡng khá căng.

Còn đối với bất động sản nhà ở, nhu cầu thực vẫn có và trong bối cảnh khó khăn đó thì chính nhu cầu mua nhà của người nước ngoài (khoảng 30% ở mỗi dự án) lại đang là điểm sáng hỗ trợ cho thị trường. Hiện nay, tại hệ thống của Đất Xanh Miền Bắc tỷ lệ người nước ngoài giao dịch chiếm khoảng 10% tổng số giao dịch. Tính từ đầu năm đến hết 15/3, toàn hệ thống có khoảng trên 260 giao dịch thành công, nhưng chủ yếu là người mua nhà ở thực, đã tìm hiểu về dự án từ trước đó, còn hiện giờ các sự kiện mở bán phải tạm dừng lại.

Một điều có thể thấy sự tác động rất rõ bởi Covid-19, đó là hầu hết các giao dịch gần đây đều mới chỉ là đặt cọc hoặc đăng ký mua qua online, các thủ tục ký hợp đồng đều phải “delay” lại do người mua không đến trực tiếp ký hợp đồng.

Thanh Nga (TH)/ Sở hữu trí tuệ