Vì sao Bộ GTVT từ chối nhận lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam?

Theo Bộ GTVT, Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan quản lý đánh giá toàn diện ưu điểm và nhược điểm của việc đưa Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về lại Bộ GTVT, sau khi nhận được một số ý kiến đề xuất của chuyên gia và đại biểu Quốc hội.

Trong quá trình đánh giá, Bộ GTVT đã nhận định, những khó khăn hiện tại của đường sắt chủ yếu do những bất cập về cơ chế sau khi điều chuyển. Những vướng mắc này có thể được tháo gỡ nếu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm trình Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong đó sắp xếp cơ cấu bộ máy phù hợp với quy định pháp luật về bảo trì, khai thác, nghiên cứu tách bạch kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải.

Trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (SMSC) cũng kiến nghị Thủ tướng không điều chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ GTVT, do việc điều chuyển sẽ khiến doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động theo mô hình cũ, không thể phát triển để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trước đó, vào giữa tháng 2/2020, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1128/VPCP – CN truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của việc đưa VNR về lại Bộ GTVT. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Thủ tướng nhận được một số ý kiến của chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển VNR từ CMSC về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.

Bộ GTVT cho biết là việc chuyển giao VNR về lại Bộ GTVT tại thời điểm này có ưu điểm là cơ bản không phải điều chỉnh hệ thống hoạt động đường sắt, tận dụng hệ thống cơ cấu bộ máy hiện hữu quản lý, điều hành của VNR đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Đồng thời, với việc VNR là đơn vị trực thuộc sẽ đem lại sự thuận lợi trong chỉ đạo, thực hiện quy hoạch, đầu tư và hoạt động đường sắt, vì Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Trên thực tế, VNR hiện không đơn thuần chỉ kinh doanh thuần túy mà còn tham gia hoạt động quản lý tài sản nhà nước (tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư). Bộ GTVT đánh giá việc VNR về lại bộ này sẽ đồng nghĩa với việc không phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, đồng thời cũng phải thực hiện rà soát điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành để triển khai thực hiện giao vốn nhà nước trong bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trực tiếp cho doanh nghiệp thực hiện.

Trước đó, vào đầu tháng 4/2020, trong công văn số 542/UBQLV – CNHT, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không điều chuyển VNR về lại Bộ GTVT. Theo đó, Ủy ban sẽ tiếp tục thực hiện chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại VNR theo đúng quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ – CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CMSC và Quyết định số 1515/QĐ – TTg ngày 9/11/2018 ban hành quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về CMSC.

Được biết, VNR là một trong số 5 tổng công ty giao thông chuyển về CMSC từ tháng 9/2018. Đây là doanh nghiệp vừa thực hiện quản lý, cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, phi thương mại, vừa kinh doanh vận tải đường sắt. Mặc dù là doanh nghiệp duy nhất khai thác hệ thống đường sắt quốc gia nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của VNR với hơn 26.000 lao động là rất khiêm tốn.

T.Hường/Sở hữu Trí tuệ